Header Ads

Hình ảnh và căn tính

clara phucam thanhtheXin tiếp tục kính chuyển đến anh chị em Chương IV cuốn sách Clare of Assisi: a heart full of love (Cincinnati: St. Anthony Messenger Press, 2007) của Ilia Delio, osf. Antôn Nguyễn ngọc Kính chuyển ngữ.
Thành phố Venice có những cửa hàng bán mặt nạ đủ màu sắc và đủ kiểu dọc hai bên đường. Nhờ mặt nạ mà chúng ta có thể che đậy chân dung của mình và mang lấy tính cách của một nhân vật khác – mèo, chim, thỏ, hoàng hậu, hải tặc, hiệp sĩ – đó chỉ mới là một số mặt nạ mà chúng ta có thể mang. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “mặt nạ” (prosypon) là từ nguyên của chữ ngôi vị (person). Prosypon là chiếc mặt nạ mà diễn viên sân khấu sử dụng để che đậy căn tính của mình và khuếch đại tiếng nói của một nhân vật![1] Còn trong tiếng La Tinh, ngôi vị (persona) bắt nguồn từ cụm từ per sonare (phát âm xuyên qua). Ngôi vị là một người phát ra một tiếng nói qua con người của mình, y như khi người ta mang mặt nạ. Do đó, ngôi vị bao hàm ý tưởng “phát âm xuyên qua.” Là ngôi vị, chúng ta phải tự hỏi: “Tiếng nói nào được phát ra qua đời sống của tôi? Đó là tiếng nói của tôi hay tiếng nói của người khác? Tôi có mang mặt nạ để che đậy chân tính của mình và chiếc mặt nạ ấy có bóp méo tiếng nói đích thật của tôi không? Thánh nữ Clara nêu lên vấn đề căn tính qua lá thư thứ tư gởi cho Agnes, khi người viết: “Em hãy nhìn ngắm tấm gương ấy mỗi ngày… và không ngừng tìm hiểu dung nhan của mình qua tấm gương ấy.”[2] Khi khuyên bảo Agnes tìm hiểu dung nhan mỗi ngày, thánh nữ muốn nói rằng chúng ta chỉ có thể tìm thấy căn tính đích thật của mình qua gương thánh giá.
Mối tương quan giữa gương thánh giá và diện mạo con người quả là một điều đáng quan tâm. Ý niệm “dung mạo” không chỉ liên quan đến tính duy nhất và độc đáo, tức là những yếu tố làm cho một người là chính mình, mà còn liên quan đến hình thái hay sắc diện mà người ta có thể nhìn thấy. Diện mạo tiết lộ bản sắc con người và do đó, diện mạo cũng phản ánh căn tính hay những điều người ta muốn biểu hiện.[3] Chúng ta nhận biết người khác là nhờ khuôn mặt và danh tánh của họ. Tuy nhiên, liệu khuôn mặt của họ có thật sự biểu lộ bản chất của con người mà chúng ta muốn biết không? Chắc hẳn là chúng ta đã có một kinh nghiệm trong đời, khi chúng ta chứng kiến những hành động gây sửng sốt của người mà chúng ta nghĩ là đã biết họ. Chúng ta nghĩ là đã biết họ, bởi vì chúng ta biết rõ khuôn mặt của họ, nhưng ít biết đến tiếng nói phát ra từ con người của họ. Thánh nữ Clara mời gọi Agnes (và chúng ta) nhận ra căn tính đích thực của mình qua gương thánh giá. Chúng ta là ai, và tiếng nói vang dội bên trong nội tâm chúng ta phải được biểu hiện qua gương mặt và hành động của chúng ta. Chúng ta phải đạt tới sự hòa hợp giữa bản chất và hành động, lấy lòng thanh thản mà chấp nhận “chúng ta là ai” và tự do biểu hiện chân tính của mình ra bên ngoài.
Trong thời đại hiện nay, căn tính con người đang gặp khủng hoảng. Thế hệ hậu-thế-chiến đang gặp nhiều bất ổn liên quan đến căn tính mà họ phô diễn trong mạng lưới thực tại ảo. Thời đại phức tạp của mạng lưới thông tin ảo đã làm phát sinh “thực tại ảo” và “căn tính ảo.” Trong thế giới hiện thực, nhiều người tiêu dùng đã tô điểm cho mình bằng vẻ đẹp của hàng hiệu và mặc lấy những căn tính ảo mà nhãn hiệu ấy biểu thị.[4] Vấn đề căn tính không những đang bị thử thách bởi thực tại ảo hay não trạng duy tiêu thụ, mà ngay cả vấn đề bản ngã hiện nay cũng phải được xem xét lại. Ngày nay, người ta biết rõ hơn rằng loài người chúng ta xuất hiện qua một tiến trình tiến hóa với một lịch sử dài. Khi nói tới khái niệm “xuất hiện,” người ta muốn nêu bật sự kiện loài người chúng ta liên kết với những thụ tạo “vô nhân tính,” và nằm trong một mạng lưới sự sống, cho dù chúng ta trổi vượt hơn những thụ tạo ấy. Trong khi thuật ngữ tương quan trở nên một đề tài thời thượng trong xã hội, thì rõ ràng là thuật ngữ ấy ám chỉ đến hình thái học cơ bản của đời sống thụ tạo, nhất là khi chúng ta suy xét tạo thành dưới viễn cảnh Ba Ngôi. Khi mô tả con người như một hữu thể có tương quan, chúng ta muốn khẳng định rằng con người đặt nền tảng trên tình yêu Ba Ngôi như mọi loài thụ tạo khác. Các nhà nhân chủng học hiện nay không còn xem con người như một đơn vị độc lập nữa, hay một cá thể có lý trí (naturae rationabilis individua substantia) như kiểu nói của Boethius.[5] Đúng hơn, khi mỗi hình thái của sự sống hữu hạn và bất tất được bắt  đầu, chúng được tháp nhập vào mạng lưới sự sống, và toàn thể mạng lưới sự sống thay đổi khi có một thụ tạo mới hay một sự sống mới được thêm vào. Mỗi thụ tạo mới là một thực thể đồng-thụ-tạo, vì chúng ta được tạo dựng là để cộng tác với Thiên Chúa mà tạo dựng những thực thể mới, bằng cách tham gia vào mạng lưới tương quan. Khi con người tham gia vào mạng lưới sự sống, họ trở thành một kiểu mẫu của tương quan có ảnh trên toàn thể mạng lưới sự sống và cũng bị chi phối bởi toàn thể mạng lưới ấy, khi họ thay đổi các mối tương quan. Các học giả hiện nay không còn mô tả bản ngã như một phần trọng yếu của cá nhân, mà như một mô hình tương quan được hình thành và chịu ảnh hưởng của các mối tương quan. “Bản ngã đích thật” không phải là một hạt nhân bất biến và quý giá, tựa như một trung tâm hữu cơ làm cho con người được sống.[6] Về phương diện này thì mọi mối tương tác giữa người với người đều góp phần nhất định làm nên ý nghĩa của bản ngã chúng ta, hay biểu hiện sức mạnh của tương quan, hay một loại sức mạnh hỗ tương có khả năng giúp biến đổi bản thân.[7]
Ngày nay, thần học về tấm gương của thánh nữ Clara giúp chúng ta khám phá căn tính mình như thế nào? Mặc dầu thánh nữ không phải là một nhà tâm lý, cũng không chủ trương phải tìm hiểu con người một cách tỉ mỉ, thánh nữ quả là một phụ nữ có đời sống nội tâm sâu sắc bắt rễ từ Kinh Thánh. Thánh nữ tin rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vì thế chúng ta có thể tìm thấy bản chất đích thật của mình nơi Thiên Chúa. Thánh nữ xem thánh giá là nguồn mạch của căn tính chúng ta, bởi vì chính nơi thánh giá mà Thiên Chúa đến với chúng ta và chấp nhận thân phận chúng ta, nghĩa là chấp nhận xác thịt yếu ớt của con người chúng ta. Qua con người Chúa Giêsu, chúng ta thấy được ý nghĩa của việc trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Giả như thánh nữ Clara sống trong thời đại hiện nay, có lẽ thánh nữ sẽ đối phó với cơn khủng hoảng căn tính của chúng ta một cách đơn giản như thế này: “Tại sao phải ầm ĩ như thế?” bởi vì thánh nữ tin rằng căn tính chúng ta – chúng ta là ai – liên quan đến hình ảnh mà chúng ta được mời gọi hướng tới. Mỗi người chúng ta đều có một căn tính riêng và mỗi người cũng biểu lộ hình ảnh – theo đó mà chúng ta đã được dựng nên - một cách độc đáo. Biết được hình ảnh của mình tức là nhìn thấy hình ảnh đó được phản chiếu qua gương thánh giá. Thánh nữ đã nhắn nhủ Agnes: “Mỗi ngày em hãy nhìn vào gương thánh giá mà tìm hiểu dung mạo của mình.” Nhìn thấy bạn là ai, biết đâu là mục tiêu mà bạn được mời gọi hướng tới và đâu là phạm vi mà bạn thiếu tình yêu. Hãy tìm hiểu, suy tư và ngẫm nghĩ về đời sống của bạn, mỗi khi bạn nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh.
Tất cả chúng ta đều biết phương pháp học tập. Học không chỉ là đọc, nhưng là đọc một cách chậm rãi và chăm chú, dừng lại để suy tư về một vài ý tưởng nhất định, nối kết các ý tưởng để có thể hiểu và hiểu rõ các ý tưởng đó. Tìm hiểu dung mạo của mình trong gương thánh giá thì cũng tương tự như vậy. Đó không chỉ là nhìn hay cúi chào thánh giá mỗi khi chúng ta vào nhà thờ, mà là ở với thánh giá, tập trung vào khuôn mặt của Đức Kitô chịu đóng đinh, dừng lại mà suy nghĩ về ý nghĩa của Đấng chịu đóng đinh như là tình yêu của Thiên Chúa, nối kết ý nghĩa của Đấng chịu đóng đinh với cuộc sống chúng ta, và kết quả là chúng ta hiểu được chúng ta là ai và chúng ta được kêu gọi đi về đâu trong cuộc đời dương thế dưới quan điểm của Đức Kitô chịu đóng đinh. Đối với thánh nữ Clara, học tập là một tiến trình thiết yếu trên bình diện tình yêu, đó là một tiến trình mà chúng ta gọi là chiêm niệm, tức là nhìn ngắm một cách sâu sắc để đạt tới sự thật của thực tại. Chúng ta bắt đầu chiêm niệm khi chúng ta có thể nhìn ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng mặc lấy xác phàm và chịu đóng đinh trên thánh giá, chứ không chỉ là nhìn ngó một cách đơn thuần.
Thánh nữ Clara thôi thúc Agnes chiêm ngắm hình ảnh của mình trong gương thánh giá. Nếu chiêm niệm là tìm hiểu cho biết dung mạo của mình trong gương thánh giá, bấy giờ chiêm niệm là cách thức giúp chúng ta đạt tới hình dạng đích thật của mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Tìm hiểu khuôn mặt của mình trong gương thánh giá là tự hỏi chúng ta là ai. Theo cách nói của thánh nữ Clara, bản ngã không phải là một bản chất tách biệt với Thiên Chúa, nhưng được dựng nên trong tương quan với Thiên Chúa. Căn tính tỏ lộ kho báu bên trong, tức là hình ảnh Thiên Chúa, theo đó chúng ta đã được dựng nên và nhờ đó mà chúng ta tương giao với Thiên Chúa. Do đó, căn tính là yếu tố giúp chúng ta phát huy bản ngã thành hình ảnh Thiên Chúa, và tạo nên bản ngã qua việc tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Theo ngôn ngữ của thánh nữ Clara, căn tính là “kho báu vô giá ẩn dấu trong thửa ruộng thế giới và trong con tim mà con người”[8] phải tìm kiếm. Nhìn ngắm gương thánh giá sẽ dẫn chúng ta đến việc chiêm ngưỡng vị Hôn Phu chịu đóng đinh, và việc chiêm ngưỡng ấy sẽ giúp chúng ta thám hiểm cõi lòng thâm sâu của mình. Căn tính chúng ta sẽ xuất hiện trong gương thánh giá và biểu hiện cho dung mạo mà chúng ta muốn trở thành và được thể hiện qua những nhân đức nội tâm và ngoại giới mà chúng ta thủ đắc. Khi chúng ta đã trở nên con người tương giao với Thiên Chúa như Người kêu gọi hướng tới (căn tính), bấy giờ Người sẽ được biểu lộ trong vũ trụ qua việc chúng ta không ngừng tạo nên bản ngã của mình. Thiên Chúa sẽ trở nên tiếng nói vang vọng qua cuộc sống chúng ta. Qua việc kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu, bản ngã mà chúng ta đạt được chính là bản ngã phản ánh Thiên Chúa, đó là hình ảnh Thiên Chúa. Đối với thánh nữ Clara, chiêm niệm không phải là một tiến trình hay một bậc thang dẫn chúng ta đi lên cùng Thiên Chúa, mà là một yếu tố thiết yếu của căn tính và là động lực giúp chúng ta phát huy hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta. Chiêm niệm liên kết chặt chẽ với biến đổi, như thánh nữ đã viết trong thư thứ ba gởi cho Agnes: “Qua việc chiêm niệm, em hãy biến đổi trọn con người của em thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.”[9] Nhờ việc chiêm niệm và biến đổi của chúng ta, Đức Kitô tái hiện diện trong thế giới, khi Người mặc lấy hình hài qua đời sống chúng ta.
Mặc dầu căn tính Kitô hữu mà thánh nữ Clara dò tìm là trọng tâm của các thư gởi cho Agnes, chúng ta cũng có thể khám phá ra căn tính ấy qua lăng kính của thánh Phanxicô. Đâu phải do phép lạ mà thánh nhân đã được biến đổi thành một người anh em dễ thương của mọi thụ tạo, nhưng là do người đã nỗ lực không ngừng để hoán cải con tim, sống nghèo, thể hiện lòng thương xót và kiến tạo hòa bình. Trước tiên, thánh Phanxicô đã gặp được Đức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá Đamianô, và qua hình ảnh ấy, Thiên Chúa đã nói cho người biết rõ về đời sống của mình. Một trong những những truyện ký đã kể lại rằng, khi thánh Phanxicô cầu nguyện một mình trước ảnh thánh giá, người đã thốt lên những lời này: “Lạy Chúa, Chúa là ai và con là ai?” Có thể nói rằng bí quyết của việc biến đổi chính là vì người chấp nhận căn tính của mình, chấp nhận con người đích thật của mình trước mặt Thiên Chúa. Thomas Merton nói rằng chính Thiên Chúa làm cho mọi vật trở nên chính mình và trở nên một với mình là làm vinh danh Thiên Chúa.[10] Tựa như hoa hướng dương và hoa anh túc thánh thiện trong thung lũng Umbria luôn hướng về tôn nhan Thiên Chúa, bởi vì chúng không thể làm gì khác hơn là thể hiện chính bản chất của mình, thánh Phanxicô cũng muốn học cho biết trở nên chính mình. Qua gương thánh giá, thánh nhân đã phát huy bản ngã mà Thiên Chúa đã tạo nên cho người, một bản ngã có tương quan và trở nên một với chính mình khi tương quan với người khác trong yêu thương. Người đã trở nên thành viên của đại gia đình tạo thành, bởi vì người biết chấp nhận những mặt mạnh và mặt yếu của mình, tài năng và khiếm khuyết, và người đã gặp được Thiên Chúa khi chấp nhận như thế. Gặp được Thiên Chúa ngay trong những yếu kém của mình, người cũng đã tìm thấy Thiên Chúa ngay trong những yếu đuối và nhược điểm của tha nhân. Cuộc đời của thánh Phanxicô muốn nói với chúng ta rằng, khi chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, chúng ta cũng tìm thấy chính mình, và khi chúng ta tìm thấy chính mình, chúng ta cũng nhìn thấy người khác là anh chị em, vì biết rằng Thiên Chúa đang ở trong họ. Mới đây, khi tôi yêu cầu một nhóm sinh viên định nghĩa căn tính của mình, một sinh viên đã viết: “Tôi mua sắm, nên tôi hiện hữu.” Thật đáng buồn khi nghĩ tới một thứ căn tính gắn liền với những gì chúng ta sở hữu. Thế nhưng, trong một nền văn hóa tiêu thụ và hư hỏng thì đó lại là câu trả lời hợp lý. Merton quả quyết rằng: Tôi càng xa rời cái tôi đích thật của mình, tức là cái tôi mà Thiên Chúa dự định khi dựng nên tôi, thì tôi càng gắn bó với cái tôi giả tạo, tức là cái tôi mà tôi nghĩ là mình phải có; và một cái tôi càng xa cách Thiên Chúa, thì Thiên Chúa chẳng biết đến cái tôi ấy, bởi vì Người đã không dựng nên một cái tôi như thế. Bởi vì cái tôi ấy mù lòa, nên nó đòi hỏi tôi phải luôn luôn quan tâm đến nó, và vì thế mà tôi xa rời cái tôi đích thật của mình, một cái tôi được tháp nhập trong mạng lưới tạo thành. Khi chúng ta tương quan với vật chất như nguồn mạch căn tính của mình, thì có thể đoan chắc là chúng ta đang bước đi trên con đường nguy hiểm dẫn tới hư vô.
Vì thế, chẳng có gì lạ nếu hiện nay chúng ta thích nổi bật với những loại y phục, tóc tai và đồ trang sức hợp thời và độc đáo, hay bất cứ thứ gì có thể làm cho chúng ta nổi bật. Nền văn hóa duy vật là nguyên nhân của cơn khủng hoảng căn tính, khi nó cổ võ con người sử dụng những sản phẩm nhất định để đạt được một hình ảnh bản thân mà họ nghĩ là mình phải có hay có thể có. Não trạng duy tiêu thụ cổ võ một thứ vong thân khiến chúng ta không thể chấp nhận chính mình, bởi vì chúng ta nghĩ là mình cần phải chiếm đoạt một thứ gì khác hay một ai khác. Chúng ta bị tấn công liên tục bởi những hình ảnh do truyền thông thương mại chuyển tải, bằng cách giới thiệu với chúng ta vô sô căn tính mà rất ít hay không có căn tính nào là của chúng ta. Tôi nghĩ rằng sự vong thân của con người và cơn khủng hoảng căn tính hiện nay liên quan đến não trạng duy tiêu thụ cực đoan, internet và sự tương quan hời hợt. Chúng ta đang đi tìm một thứ bản ngã bất nhược và tìm kiếm một ai đó có khả năng yêu thương chúng ta bất chấp sự yếu nhược của chúng ta. Chúng ta là hữu thể có tương quan và được tạo dựng cho người khác, nhưng nếu chúng ta không chấp nhận chính mình, thì chúng ta khó có thể chấp nhận người khác. Khi thánh Phanxicô đón nhận người phong, thì cùng một lúc, người cũng chấp nhận cái tôi yếu kém và hữu hạn của mình. Khi người hôn đôi tay người phong để biểu lộ sự chấp nhận của mình, người cũng chấp nhận Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống người phong. Trong Di chúc, thánh nhân đã thổ lộ rằng, sau khi người đã được Thiên Chúa dẫn đến với người phong, thì “những điều cay đắng đã trở thành ngọt ngào trong tâm hồn và trong thể xác.”[11] Thánh nhân đã khám phá được rằng kinh nghiệm về Thiên Chúa mặc lấy xác phàm đã biến đổi những gì người gớm ghét thành dễ thương. Nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong thân xác người phong, thánh Phanxicô được thôi thúc hướng tới một cuộc đời hoán cải trong Đức Kitô, bởi vì Đức Kitô là chiếc cầu nối kết cái tôi vong thân với cái tôi đích thật, và nối kết cái tôi đích thật của chúng ta với tha nhân, nhờ đó mà chúng ta hoàn thiện chính mình.
Qua kinh nghiệm của thánh Phanxicô, chúng ta biết rằng nếu muốn đến gặp tha nhân trong Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên người nghèo, bởi vì người nghèo mới có tự do để yêu thương. Đối với thánh Phanxicô, nhờ sự nghèo khó - trên bình diện vật chất và tinh thần – mà người có thể chấp nhận lệ thuộc Thiên Chúa và tha nhân một cách trọn vẹn. Người biết rằng mình không phải là nguồn cội của chính cuộc sống mình, và mọi khía cạnh trong cuộc sống đều là quà tặng. Ngay cả “bản ngã” của cái tôi cũng không thể khẳng định là của mình và cho mình. Điều độc đáo là người hiểu rằng “bản ngã” phát xuất từ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Do vậy, đức nghèo đã giúp thánh Phanxicô nhận thức mình là một con người và là một con người có tương quan. Nếu người muốn trở nên chính mình, thì người cần phải có tha nhân, và trở nên chính mình là lệ thuộc người khác là những kẻ mà Thiên Chúa đang sống trong họ. Không chỉ lệ thuộc con người, mà lệ thuộc cả những thụ tạo nhỏ bé trên mặt đất: hoa cỏ và côn trùng, chim trời và thỏ rừng. Cho dù người bị mù trong những ngày cuối đời, người vẫn quan niệm vũ trụ như một tạo thành liên kết với nhau trong một mạng lưới rạng rỡ đầy yêu thương. Trong mạng lưới ấy, thánh Phanxicô tìm thấy chỗ đứng của mình như một người anh em giữa mọi loài thụ tạo.
Thánh nữ Clara cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm gương thánh giá để có được một quan niệm về bản thân như thế. Gương thánh giá đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm về hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy. Gương thánh giá đòi buộc chúng ta phải xem xét lại hành vi của mình, khi chúng ta đặt cả trí khôn, linh hồn và con tim vào tấm gương, và chấp nhận hình ảnh mới của mình được phản chiếu qua tấm gương. Qua việc chiệm niệm, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đi từ nhận thức về vỏ bọc của thân xác đến một kinh nghiệm sâu xa hơn về sự liên kết hỗ tương giữa thân xác và linh hồn. Nhờ gương thánh giá, chúng ta có một khái niệm và một hiểu biết mới về bản thân. Qua hình ảnh hữu hình này, chúng ta được mời gọi kiến tạo một tương quan mới với chính mình và với Thiên Chúa. Đức Kitô là tấm gương, qua đó Thiên Chúa mạc khải chính mình cho chúng ta và mạc khải cho chúng ta biết mình, khi chúng ta bắt đầu thấy được sự thật chúng ta là ai – căn tính – trong gương thánh giá. Do đó, nhìn ngắm gương thánh giá vừa là nhìn xem và tiếp nhận tình yêu của một Thiên Chúa trao ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta phải xem xét những hành động của “con người” mà chúng ta thấy trong tấm gương (bản thân chúng ta), cùng với những hành động của Đức Kitô là chính tấm gương. Thánh nữ Clara khuyến khích chúng ta hãy xem xét liệu những hành động của chúng ta trong thế giới có “phản ánh” các nhân đức khiêm hạ, nghèo khó và bác ái của Chúa Kitô hay không. Khi nhìn ngắm gương thánh giá, chúng ta kêu cầu Đức Kitô giao tiếp với con người thâm sâu chúng ta. Khi chúng nhìn thấy Đức Kitô trong gương và dung nhan của Đức Kitô được phản chiếu nơi khuôn mặt chúng ta, bấy giờ chúng ta nhận biết đâu là những điều làm cho chúng ta phản chiếu hình ảnh của Đức Kitô và đâu là những điều làm lu mờ hình ảnh của Người. Phép ẩn dụ tấm gương của thánh nữ Clara muốn khẳng định rằng, chúng ta không thể tránh né hay phủ nhận hình ảnh đích thật của mình. Có lẽ gương thánh giá là một khẳng định cụ thể và rõ ràng nhất về căn tính của chúng ta.
Theo một cách thức như vậy, thánh nữ còn biết rằng nhờ gương thánh giá mà Chúa Thánh Thần có thể dò thấu lòng người. Gương Chúa chịu đóng đinh muốn nói rằng những hành động yêu thương mà chúng ta thực hiện trong thế gian này là những yếu tố làm cho chúng ta giống Thiên Chúa hơn cả, nhất là khi chúng ta kiên trì yêu thương trong đau khổ, nghèo khó và khiêm hạ. Gương thánh giá cũng tỏ cho chúng ta biết những điều mà chúng ta đã làm cho Thiên Chúa trong thế gian này – đóng đinh Người. Qua gương thánh giá, chúng ta thấy được sự cao cả của con người khi thể hiện khả năng yêu thương và sự bất hạnh của con người khi phạm tội. Chiêm niệm là thấu tỏ sự thật của thực tại và khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh mà Thiên Chúa đã dựa theo đó để dựng nên chúng ta, chúng ta sẽ biết được sự thật chúng ta là ai dưới con mắt Thiên Chúa. Vì vậy, gương thánh giá chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh đích thật của mình và hình ảnh mà chúng ta phải nhìn ngắm nơi bản thân mình – sự nghèo khó, khiêm hạ và đau khổ. Đặt mình trong gương thánh giá là giãi bày niềm vui và buồn sầu của thân phận con người, niềm vui của tình yêu Thiên Chúa ôm ấp mọi sự và nỗi buồn của kẻ nhìn thấy vị Hôn Thê bị “khinh miệt, nhục mạ và chịu đánh đòn.”[12] Qua việc chiêm niệm, chúng ta phải đặt toàn thể con người mình – con tim, trí tuệ và linh hồn - trong gương thánh giá, và “biến đổi toàn thể con người chúng ta thành hình ảnh của Thiên Chúa.”[13] Theo thánh nữ Clara thì nghèo khó, khiêm hạ và bác ái là những “vết chân của Chúa Kitô” và chúng ta được mời gọi tìm kiếm những dấu vết ấy ngay trong cõi lòng thâm sâu chúng ta. Chúng ta chấp nhận bản thân, khi chúng ta nhận ra những mặt mạnh và mặt yếu, tài năng và thất bại của mình. Nếu chúng ta khao khát kết hiệp với Thiên Chúa một cách thân thiết hơn, chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với đau đớn và khổ đau để giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc cản trở chúng ta kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn sống theo căn tính chân thực của mình, chúng ta phải loại bỏ mọi vật cản trên đường khiến chúng ta chưa giống Đức Kitô chịu đóng đinh, vốn là hình ảnh mà Thiên Chúa đã dựa theo đó để dựng nên chúng ta.
Thánh nữ Clara thấu hiểu rằng cái chết là con đường đưa tới sống. Có thể nói rằng, để đạt tới căn tính đích thực của mình, chúng ta phải trải qua những “cái chết nho nhỏ” để lột bỏ những vỏ bọc của cái tôi giả tạo mà tìm thấy cái tôi đích thật bên trong. Để trở nên con người đích thật trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải chết, không phải một lần mà nhiều lần – một cuộc đời với những cái chết nho nhỏ. Thánh nữ xác tín rằng cái chết có khả năng làm trổ sinh sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa, và chính trong sự sống ấy mà chúng ta đạt tới một căn tính trọn vẹn như chúng ta đã được dựng nên. Thánh nữ đã viết:
“Nếu em cùng chịu đau khổ với Người, em sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu em buồn khổ với Người, em sẽ vui sướng với Người. Nếu em cùng chết với Người trong những nỗi gian truân của thánh giá, em sẽ chiếm được lâu đài thiên quốc trong sự huy hoàng rực rỡ của các thánh.”[14]
Gương thánh giá muốn nói với chúng ta rằng, căn tính của chúng ta nằm ẩn khuất trong trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ nơi thánh giá mà chúng ta mới biết mình là ai và phải sống như thế nào.
Khi chúng ta nhìn kỹ gương thánh giá, chúng ta được dẫn đến mầu nhiệm chính yếu của cuộc sống nhân sinh và căn tính chúng ta, nghĩa là mỗi người chúng ta được Thiên Chúa yêu thương một cách riêng và hiện hữu một cách độc đáo. Thánh nữ chỉ cho thấy rằng nhìn ngắm gương thánh giá là suy tư về chính mình. Thiên Chúa tự mạc khải qua Đức Kitô chịu đóng đinh là hình ảnh của chúng ta, đó là điều làm cho chúng ta nên giống như Người, khi chúng ta nhìn ngắm gương thánh giá mà chấp nhận chính mình và khả năng yêu thương của chúng ta.[15] Chúng ta càng chiêm ngắm Đức Kitô (bằng cách nhìn ngắm Chúa Chịu đóng đinh), chúng ta càng khám phá được căn tính chúng ta, tức là con người mà Thiên Chúa đã dựng nên và kêu gọi từ muôn đời. Mỗi người chúng ta đều là một “thực thể” duy nhất, nghĩa là một ngôi vị có những đặc điểm độc đáo nhất định mà người khác không có. Qua những đặc điểm độc đáo ấy mà quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách mới mẻ nơi con người cá vị của chúng ta, bất chấp những khiếm khuyết và thất bại, yếu đuối và giới hạn của chúng ta. Từ đời đời Thiên Chúa đã muốn cho mỗi người chúng ta làm rạng danh Thiên Chúa theo cách thức riêng của mình, bằng cách trở nên dung mạo nhân loại vĩnh hằng của Người. Thiên Chúa đã muốn sử dụng thân xác chúng ta, cùng với đôi tay và đôi chân riêng của chúng ta, làm nơi Người cư ngụ. Thiên Chúa muốn giáng thế một lần nữa qua cuộc sống chúng ta. Điều ấy tưởng như không thể hiểu nổi, nhưng đích thực là Người mặc lấy thân xác chúng ta, khi chúng ta tạo nên một không gian trong cuộc sống để cho Người cư ngụ, khi chúng ta thực sự biết mình là ai, và cảm nhận niềm vui của Thiên Chúa khi Người tiếp tục nhập thể trong con người chúng ta.
Đối với thánh nữ Clara, thánh giá là nơi chúng ta biết Thiên Chúa và biết mình là ai trong Thiên Chúa. Một đời sống nghèo khó và khiêm hạ theo gương Chúa Kitô chịu đóng đinh - như Agnes – có thể giúp chúng ta chiếm được kho báu bên trong nội tâm con người, tức là Ngôi Lời Thiên Chúa, và chính trong Người mà chúng ta được dựng nên. Nếu gương thánh giá giúp chúng ta thấy được hình ảnh Chúa Kitô phản ánh mỗi ngày một rõ nét hơn trong đời sống chúng ta, thế thì chúng ta phải suy xét mà tìm cách trở nên giống Chúa Kitô trong tư tưởng, trong linh hồn và thân xác. Chúng ta có thể bắt đầu trên bình diện hành động và hành vi, nhưng chúng ta cũng phải xem xét những khía cạnh sâu xa hơn: Chúng ta là ai? Điều gì đang hiện diện trong con tim chúng ta? Điều gì đang chiếm lĩnh tâm trí chúng ta? Điều gì đang làm cho linh hồn chúng ta bừng cháy niềm khao khát? Thánh nữ xem việc nhìn ngắm là thời gian phản tỉnh, bởi vì hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong Đức Kitô chịu đóng đinh chính là hình ảnh của tạo thành chúng ta, và nền tảng của căn tính chúng ta là ở trong hình ảnh ấy. Chiêm niệm thì có tính sáng tạo, bởi vì chiêm niệm có khả năng biến đổi kẻ nhìn ngắm gương thánh giá thành kẻ phản ánh chính hình ảnh ấy. Chúng ta càng chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta càng khám phá được hình ảnh của Thiên Chúa và nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Khi hình ảnh của Thiên Chúa được tỏ rạng nơi người chiêm ngắm gương thánh giá Chúa Kitô, thì Đức Kitô được “tái sinh” trong lòng của những kẻ tin. “Chúa Kitô được tái sinh trong lòng tín hữu” có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều đó muốn nói rằng, khi chúng ta được thôi thúc tương quan mật thiết hơn với Thiên Chúa và với chính mình trong gương thánh giá và nhờ gương thánh giá, chúng ta buộc phải xem xét liệu đời sống chúng ta trên dương thế này có thực sự phản ánh Đức Kitô hay không. Thứ nhất, chúng ta phải nhìn lại hình ảnh chúng ta trong gương thánh giá mà xem xét lại hành vi của mình. Thứ hai là phải xem xét liệu hình ảnh chúng ta thấy có thực sự giống con người Chúa Kitô không. Trở nên giống Chúa Kitô là chấp nhận những khía cạnh mờ tối nơi bản thân chúng ta, đồng thời đưa ánh sáng và hy vọng vào vùng mờ tối ấy. Đó là sẵn sàng yêu thương, nhất là khi chúng ta không được yêu lại.
Trong khi con đường thiêng liêng của thánh nữ Clara đòi hỏi chúng ta phải tin tưởng khi tương quan với Thiên Chúa, con đường ấy cũng liên quan đến mối tương quan tin cậy đối tha nhân. Về phương diện này, việc ngắm nhìn gương Chúa chịu đóng đinh không chỉ là một tương quan giữa Thiên Chúa và con người mà thôi, tức là tương quan với Đấng Siêu Việt theo chiều dọc. Đúng hơn, Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt nơi người khác – Thiên Chúa ở khắp mọi nơi – ngõ hầu khi chúng ta đi theo Chúa Kitô là chúng ta bước theo người môn đệ đang đi theo Chúa Kitô, và nhìn thấy chính mình trong gương Chúa chịu đóng đinh là nhìn thấy mình nơi khuôn mặt của những anh chị em đang chịu đau khổ. Về cơ bản, thánh nữ đi theo một cách thức giống như thánh Phaolô (1Cr 11: Hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô), và thánh nữ đã hướng dẫn Agnes đạt tới một cuộc sống viên mãn bằng cách tương quan với Thiên Chúa mặc lấy nhân tính hèn yếu, tức là cộng đoàn nhân loại.[16] Đối với thánh nữ Clara, nếu không có đời sống cầu nguyện với cộng đoàn, thì người ta không thể có được một căn tính viên mãn, bởi vì chính trong cộng đoàn mà gương căn tính của chúng ta mới được phản chiếu nơi người khác, tức là những người mà chúng ta được mời gọi yêu thương. Tình yêu thì biến đổi, bởi vì tình yêu có khả năng hiệp nhất, và khi chúng ta lấy lòng trắc ẩn mà yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ trở nên chính mình hơn, và khi trở nên mình hơn, chúng ta trở nên những người giống như Chúa Kitô.
Loại tình yêu này thì không đòi hỏi đáp đền và cũng không tìm kiếm phần thưởng, nhưng chỉ muốn yêu thương vì lợi ích của tha nhân. Vì thế, tình yêu ấy có thể chịu đựng đau khổ và thử thách – tha thứ cho tha nhân, tha thứ cho người anh em nóng giận và tha thứ cho người chị em hay ghen tương. Đây là điều mà thánh nữ Clara mời gọi chúng ta nhìn ngắm trong gương thánh giá: Chúng ta muốn đứng xa xa mà nhìn đau khổ, ngăn cản đau khổ đi vào cuộc sống chúng ta, và sử dụng bất cứ phương tiện nào để kiềm chế đau khổ? Hay chúng ta chia sẻ trọn vẹn nỗi đau của tha nhân, để hiểu biết Thiên Chúa và chính mình một cách sâu xa hơn? Khi chúng ta chiêm niệm mà kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta có khả năng cảm nếm sự ngọt ngào kín ẩn của tình yêu Thiên Chúa nơi thân xác yếu hèn của tha nhân. Một khi chúng ta biết được chúng ta là ai – căn tính của chúng ta – trong gương thánh giá, chúng ta sẽ có thể chấp nhận chính mình, bất chấp những rạn nứt và đổ vỡ của mình, đồng thời chúng ta cũng có thể chấp nhận người khác cùng với những rạn nứt và đổ vỡ của họ. Trong gương thánh giá, chúng ta biết được rằng chúng ta thật sự được yêu thương bởi một Đấng cao cả hơn chúng ta. Chúng ta khám phá được mầu nhiệm Chúa Kitô, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, là người anh chia sẻ cuộc sống của chúng ta và yêu mến Chúa Cha cho đến chết. Chúng ta khám phá được quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại và trong Người mà tạo thành có được một đời sống mới. Mầu nhiệm Chúa Kitô là mầu nhiệm con người chúng ta. Hình ảnh của Người là hình ảnh của chúng ta. Sự sống của Người là sự sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi thông dự vào quyền năng của Người. Chúng ta được mời gọi trở nên một Đức Kitô mới cho thế giới này, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh trong hết mọi sự. Đây là mục đích mà Thiên Chúa đã dự định khi dựng nên chúng ta: Tuy là những chiếc bình mỏng mảnh, chúng ta được dựng nên để làm vinh danh Thiên Chúa. Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người qua những điểm độc đáo và riêng biệt trong đời sống và nhân tính thấp hèn của chúng ta.
Suy tư
  1. Bạn đã hiểu như thế nào về thánh giá Chúa Giêsu Kitô? Bạn xem thánh giá là nơi biểu lộ cảm xúc có tội và bị xét xử, hay mời gọi bạn hoán cải để được tự do?
  2. Làm thế nào để cho thánh giá trở nên tấm gương mà bạn soi mình mỗi ngày? Làm sao gương thánh giá giúp bạn tìm thấy căn tính của mình?
  3. Khi tương quan với tha nhân, bạn có muốn trở nên tấm gương của Chúa Kitô không? Những mối tương quan ấy có giúp bạn suy nghĩ về đời sống của mình không?
  4. Bạn có ý thức là mình phải trở nên tấm gương Chúa Kitô để cho người khác đi theo không? 
     






[1] Về ý nghĩa của “ngôi vị,” xin xem Joseph W. Koterski, “Boethius và nguồn gốc thần học của khái niệm ngôi vị,” American Catholic Philosophical Quartely (2004), tr. 205-206. Elisabeth Groppe cho rằng prosypon liên quan đến bộ phận của đầu, nằm ngay dưới vỏ sọ, “còn thuật ngữ prosypeion mới ám chỉ chiếc mặt nạ của diễn viên sân khấu Hy Lạp.” Xem Elisabeth Groppe, “Tạo dựng từ hư vô và do tình yêu: Bản chất tự do theo thần học của John Zizioulas và Catherine Mowry LaCugna,” Modern Theology 21.3 (2005), tr. 466.
[2] Thánh nữ Clara, Thư thứ 4 gửi Agnes, câu 15.
[3] Triết gia hậu hiện đại Emmanuel Levinas khẳng định rằng, khuôn mặt đích thật của tha nhân phải giải thoát chúng ta khỏi lòng khao khát muốn biết hết mọi sự và dẫn chúng ta đến ý nghĩa đích thật của vô biên, bởi vì dấu vết của siêu việt đã được ghi khắc nơi khuôn mặt của tha nhân. Người ta không thể nhờ kiến thức mà thấu hiểu tha nhân, bởi vì tha nhân thì vô biên và vượt trên mọi hiểu biết. Xem Edith Wsychogrod, Saints and Posmodernism: Revisioning Moral Theology (Chicago: University of Chicago Press, 1990), tr. 148; Robyn Horner, Rethinking God as gift: Marion, Derrila and the limits of phenomenology (New York: Fordham University Press, 2001), tr. 64-66.
[4] Thế hệ hậu-thế-chiến (GenXers): Là những người được sinh ra sau đại thế chiến thứ 2, nghĩa là trong khoảng 1950-1970 (ND). Mạng lưới thực tại ảo: sand-box of cyberspace. X. D. Seiple, Giới thiệu sách “Consuming faith: Integrating who we are with what we buy,” Journal of American Academy of religion 73.2 (2005), tr. 521.
[5] Hình thái học cơ bản: basic morphology. X. Koterski, “Theological Origins of the concept of person,” tr. 203.
[6] Jane Kopas, Sacred identity: exploring a theology of the person (Mahwah, N.J.: Paulist, 1994), tr. 103.
[7] Sđd., tr. 98.
[8] Thánh nữ Clara, Thư thứ 3 gởi Agnes, c. 7.
[9] Câu 13.
[10] Merton, New seeds of contemplation, tr. 29-31.
[11] Thánh Phanxicô, Di chúc, c. 3.
[12] Thánh nữ Clara, Thư thứ 2 gởi Agnes, c. 20.
[13] Thư thứ 3, c. 13.
[14] Thư thứ 2, c. 21-22.
[15] X. Ilia Delio, “Clara Átxidi: vẻ đẹp và biến đổi,” Studies in spirituality 12 (2002), tr. 75.
[16] Về việc đi theo Chúa Kitô trong cộng đoàn, xem Ilia Delio, “Tấm gương và vết chân: Phép ẩn dụ trong tác phẩm của thánh nữ Clara,” Studies in spirituality 10 (2000), tr, 67-181.

1 nhận xét:

  1. Just checking back for any new posts you may have written.
    I’ve been a follower on your blog for a while now and would like to invite you to visit and perhaps follow me back. Sorry I took so long for the invitation.

    Trả lờiXóa

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.