Ý nghĩa và những thắc mắc về Halloween, Ngày Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Vào những ngày này trong năm, ở một số nước trên thế giới, người ta thường dùng hình ảnh những hồn ma kinh dị, hay những yêu tinh ghê rợn để ám chỉ những người đã chết. Ngược lại, trong dịp này, Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Các Thánh Nam Nữ và Các Đẳng Linh Hồn, như thời khắc để hồi tưởng về những người đã ra khỏi đời này mà bước vào đời sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô.
Một vài câu hỏi được đặt ra ở đây là: Đâu là tầm quan trọng và của hai ngày Lễ này? Chúng ta có thể lãnh nhận Ơn Đại Xá cho chính mình hay cho những người thân yêu đã qua đời?
Việc mừng lễ hội Halloween có nguy cơ làm lu mờ tầm quan trọng của hai ngày Lễ này trong Giáo Hội Công Giáo như thế nào?
Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh án Tòa Ân giải Tối cao Tòa Thánh, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến việc Ân xá, sẽ giúp trả lời những câu hỏi trên.
Trong Phần I, Đức Hồng Y sẽ nói về Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Đẳng Linh Hồn sắp tới, cùng những điều kiện để lãnh nhận các ân xá cho người Công giáo và những người thân yêu của họ đã qua đời.
* * *
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Đẳng Linh Hồn sắp được cử hành, các tín hữu Công giáo sống những ngày này trong tâm tình hồi tưởng và cầu nguyện sốt sắng. Việc lãnh nhận ân xá dành cho các linh hồn đã qua đời có còn được thực hành trong Giáo Hội không?
Đức Hồng Y Piacenza: Vâng, chắc chắn rồi! Vào ngày 2 tháng 11, khi thăm viếng đất thánh và chu toàn các điều kiện: xưng tội, rước lễ, đọc Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, thì có thể nhận được một ơn Đại xá dành cho tín hữu đã qua đời.
Hỏi: Điều này chỉ được áp dụng trong ngày 2 tháng 11 mà thôi hay sao?
Đức Hồng Y Piacenza: Không! Ngoài việc đi viếng đất thánh vào ngày này để lãnh nhận ơn đại xá, các tín hữu còn có thể lãnh nhận ơn này vào các ngày khác trong năm bằng các thực hành những công việc đạo đức khác được ghi trong Sổ Bộ Ân Xá (Tài liệu bao gồm những cách thức có thể xóa bỏ các hình phạt do tội). Người tín hữu có thể dành ơn đại xá này cho bản thân hay cho người đã quá cố. Lưu ý, ơn đại xá này chỉ được lãnh nhận một lần trong ngày. Vì thế, chỉ có thể dành cho bản thân, hoặc dành cho người quá cố mà thôi.
Hỏi: Đôi khi trong một số hình các thánh, có ghi dòng chữ “100 ngày ân xá, 300 ân xá”. Những từ này phải được giải thích như thế nào, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Piacenza: Chúng ta có thể bắt gặp những kiểu diễn đạt này trước cuộc cải tổ của Công đồng Vaticano II. Những suy tư thần học đúng đắn giúp chúng ta hiểu rằng đời sống vĩnh cửu siêu vượt trên thời gian chứ không phải là khoảng “thời-gian-nối-dài, vì thế sẽ là không chính xác khi nói về hình phạt tạm và sự ân xá tương đối. Do đó, ngày nay chúng ta chỉ nói về hai loại ân xá: (1) Đại xá – khi tất cả các hình phạt do tội được xóa bỏ; (2) Tiểu xá – khi chỉ một phần các hình phạt được tha.
Hỏi: Như vậy phải chăng sự tha thứ trong bí tích Hòa Giải là chưa đủ? Và việc đến với Tòa Giải Tội vẫn chưa trọn vẹn sao?
Đức Hồng Y Piacenza: Có một điều chắc chắn rằng sự Hòa Giải diệu vời nhất là biến cố cái Chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Chúng ta! Trong Người, tất cả những lời hứa của Thiên Chúa Cha đã được thành toàn (2Cr 1,20). Chúa Giêsu là nguồn mạch và cùng đích của lòng thương xót. Sâu xa hơn, Ngài chính là lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhắc nhớ Giáo hội về sự thiết yếu của thực tại thương xót đối với việc tuyên xưng đức tin và thái độ của người môn đệ theo Chúa Giêsu. Nếu suy xét kĩ càng hơn chúng ta sẽ thấy lời nhắn nhủ “Đừng sợ” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có chung cùng một ý nghĩa với lòng thương xót. Làm sao một người có thể can đảm nếu không cảm nhận được lòng thương xót? Và làm sao lòng thương xót có thể trở nên một kinh nghiệm sống thực tế chứ không chỉ là lời nói suông nếu không được thực hành một cách cụ thể trong đời sống cá nhân, trong khả năng vượt thắng tất cả các nỗi sợ nhờ sự bảo đảm chắn của chân lý, sự an bình của điều thiện, và cuối cùng là trong niềm tin vào sự chiến thắng của Đức Kitô trên những sự xấu xa trong dòng lịch sử nhân loại?
Cũng giống như mọi hành vi khác của con người, tội lỗi để lại hậu quả của nó. Bí tích Hòa Giải tha tội, nhưng không xóa bỏ hết những hậu quả của tội. Ngang qua các ân xá, Mẹ Giáo Hội quảng đại kín múc từ kho tàng của lòng thương xót Chúa, và ban cho các tín hữu ơn được tha thứ không chỉ khỏi các tội của họ, nhưng còn cả những hình phạt do tội gây ra nữa. Ví dụ, nếu hai người đàn ông đánh nhau, sau đó cả hai làm hòa với nhau, nhưng không gì có thể xóa bỏ được nỗi đau và dấu vết của một cái tát vào má. Sự ân xá là để xóa bỏ dấu vết đó. Do đó, nhờ kho tàng lòng thương xót Chúa mà Giáo Hội nắm giữ những của cải chân thật và quý giá nhất. Đây là ngân hàng bảo đảm chắc chắn nhất đang hoạt động, và các cổ đông của nó thực sự may mắn!
* * *
Trong Phần II, Đức Hồng Y Mauro Piacenza nói về các Ân xá, Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Đẳng Linh Hồn, cùng những ảnh hưởng tiêu cực của lễ hội Halloween.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã nói rằng các ân xá có thể được dành cho chính mình, hoặc cho một tín hữu đã qua đời. Tại sao không phải là cho một tín hữu còn sống khác, chẳng hạn chồng, vợ hoặc con cái của mình?
Đức Hồng Y Piacenza: Điều này không thể thực hiện được vì mầu nhiệm cao cả của sự tự do, mầu nhiệm làm cho chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa và chính Thiên Chúa vô cùng tôn trọng sự tự do của con người.
Mỗi người, khi còn sống, tức là khi đang ở đời này có thể thay đổi những lựa chọn hiện sinh của mình, có thể quyết định tự mình hoán cải, và theo nghĩa này, mỗi người đều có sự tự do và không ai có thể hoán cải thay mình. Vì vậy, mỗi người có thể nhận được các ân xá và dành riêng cho chính mình.
Chắc chắn ai đó có thể cầu nguyện cho sự hoán cải của những anh chị em khác, cho sự hoán cải của các tội nhân. Tuy nhiên, về bản chất, ân xá đã là một thực hành đạo đức, cần thiết cho sự hoán cải sâu xa. Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Đối với các linh hồn đã qua đời, họ không còn thời gian và sự tự do để lập công trạng nữa. Do đó, việc hết sức quan trọng với những người đang sống là quy hướng sự tự do về điều thiện và không ngoan cố ở lại trong tình trạng tội lỗi. Các linh hồn đã qua đời không còn khả năng lập công trạng trước mặt Chúa, nhưng nhờ sự Thông Công Các Thánh – sự hiệp nhất sâu xa của các tín hữu trong Chúa Kitô, chúng ta là những người đang sống ở đời nay có thể thực hiện những việc lành phúc đức để sinh ích cho các linh hồn, đồng thời cũng để sinh ích cho chính mình.
Hỏi: Có phải đây là lý do mà Lễ Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn thường diễn ra gần nhau? Vào ngày đầu tiên và ngày thứ hai của tháng 11 hay không?
Đức Hồng Y Piacenza: Kể từ khi thành lập, Giáo hội chắc chắn đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Dù họ là các vị tử đạo hay các tín hữu bình dân qua đời một cách tự nhiên. Cộng đoàn nhận ra rằng việc cầu nguyện cho những người quá cố là một việc làm cần thiết trong đời sống, bằng lời cầu nguyện và trên hết là qua việc cử hành Thánh Lễ. Việc thực hành này biểu lộ sự hiệp nhất sâu xa với và trong Chúa Kitô, được tạo nên nhờ Bí tích Rửa tội, qua việc chia sẻ Mình và Máu Thánh Chúa, cùng chung sống trong cộng đoàn Kitô hữu, không thể bị chia cắt, ngay cả do cái chết. Sâu xa hơn, nếu Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết, thì những người được tái sinh trong Chúa Kitô không còn có thể bị chia cắt bởi bất cứ điều gì, kể cả cái chết! Thật vậy, việc mừng kính trọng thể các Thánh Nam Nữ làm sáng tỏ sự thật về mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, về sự hiệp nhất của những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta nhiều lần: “thời gian thì vĩnh cửu hơn không gian”. Vì vậy, sự hiệp nhất trong thời gian của tất cả các tín hữu, của những Kitô hữu đầu tiên, cho đến những người sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào sáng mai hay trong ngày tận thế, là một sự hiệp thông không gì có thể chia cắt. Điều này biểu lộ hành trình đi lên của Giáo Hội, một sự thông dự đích thực không chỉ ở đời này mà còn trong Nước Trời vĩnh cửu.
Chúng ta thuộc về một Thân Thể Giáo Hội duy nhất, tiếp nối không ngừng nghỉ, từ Chúa Giêsu Kitô, ngang qua Đức Trinh Nữ Maria và các thánh Tông Đồ, rồi đến chúng ta. Chính vì lý do này mà Giáo Hội trên thiên quốc có lẽ sẽ đông đảo hơn, thú vị hơn, đạo đức hơn và “có uy thế” hơn so với Giáo hội trần thế.
Hỏi: Trong những thập kỷ gần đây ở Châu Âu, vào đêm trước Lễ Các Thánh Nam Nữ, lễ hội Halloween đã trở thành một ngày lễ “thời thượng”. Hiện tượng này là do đâu? Đức Hồng Y nghĩ sao về việc này?
Đức Hồng Y Piacenza: Bạn nói đúng, lễ hội Halloween ngày càng được phổ biến, điều này chắc chắn sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn không chỉ với những người theo chủ nghĩa tiêu thụ. Tôi nghĩ rằng đại đa số các bạn trẻ tổ chức các buổi dạ tiệc hóa trang trong dịp này đã vô tình trở thành những nạn nhân của việc chạy theo thời trang, hoặc của những chủ cửa hàng đang cố bán sản phẩm thương mại của mình bằng mọi giá, kể cả việc sử dụng những chiêu bài tâm linh.
Hiện tượng này quá phi lý đến nỗi trở thành một vấn nạn tiêu biểu trong xã hội hôm nay: một người không có chân lý thực sự để tin thì cuối cùng sẽ tin bất cứ thứ gì, kể cả những quả bí ngô!
Hơn nữa, tôi để ý rằng những hoạt động trong lễ hội này mang sắc thái tâm linh, thậm chí là ma quỷ. Do đó, nếu không được sửa dạy cách đúng đắn, giới trẻ có thể vô tình trở thành kẻ châm ngòi cho những “làn khói của Satan” vốn đã làm tổn hại thế giới quá nhiều. Tất cả chúng ta phải hết sức cẩn thận để không hít phải thứ khói độc này; phải tỉnh táo vì có thể ai đó đã hít phải chúng mà không hay biết. Chúng ta phải nhớ rằng quả bí ngô, dù có được chúc lành, thì mãi vẫn là quả bí ngô. Còn những người tham dự Halloween thậm chí còn không được chúc lành!
Trần Xuân Mỹ, SJ chuyển dịch
Không có nhận xét nào