Header Ads

Văn học- sự cất tiếng của những “ kẻ khác”


        “ Kẻ khác”, ấy là những kẻ thuộc về thiểu số, những người yếu thế trong xã hội, những kẻ không “ bình thường”- những thân phận thường bị vô hình hóa, thường không thể cất lên tiếng nói cá nhân, thường bị buộc phải câm nín, vì không thể kể câu chuyện của mình bằng một ngôn ngữ bình thường, trong một điều kiện bình thường… Chỉ có văn chương, nơi những phần sâu thẳm nhất, bí ẩn nhất trong cõi tinh thần của con người, nơi những điều khó giãi bày nhất được sẻ chia bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt- ngôn ngữ nghệ thuật, nơi không chấp nhận sự đơn giản hóa con người, mới là nơi mà những “ kẻ khác” có thể cất tiếng.
       “Kẻ khác” có thể mang những tổn thương sâu sắc, những ám ảnh nặng nề trong tinh thần mà chúng ta vẫn thường gọi họ là “ kẻ điên”. Những “ kẻ điên” ấy không thể cất tiếng kể về câu chuyện của mình trong đời sống thực, nên, thắt ngặt trong cõi đời, họ bơi vào cõi chữ. Đó là Hàn Mặc Tử với mặc cảm của một “ kẻ khác”, mặc cảm của một kẻ bị đẩy ra bên rìa của cuộc sống, chỉ còn biết đứng ở bóng tối “ trong này” mà ngóng vọng về ánh sáng “ ngoài kia”:
“ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
                                                            ( Đây thôn Vĩ Dạ)
         Câu thơ ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người yêu thơ ca, và chúng ta, trong những cắt nghĩa giản đơn, vẫn cứ nghĩ người thơ ấy đang miêu tả khuôn mặt một giai nhân lấp ló sau hàng trúc. Nhưng “ mặt chữ điền” liệu có phải khuôn mặt của một thiếu nữ không? Hay phải chăng thi sĩ đang tự họa mình? Phải chăng thi sĩ đã làm một cuộc trở về Vĩ Dạ trong tâm tưởng, mà vì mặc cảm của một kẻ “ đứng cách xa hàng thế giới” nên chỉ dám trở về cuộc đời “ ngoài kia” một cách thầm lén, vụng trộm? Những mặc cảm, đau đớn ấy thật khó để diễn tả bằng một ngôn ngữ thông thường, vậy nên thi sĩ tìm đến thơ ca để nói lên tiếng nói sau cùng, khi lưỡi hái tử thần đã huơ lên lạnh buốt sau lưng, để nhờ những vần thơ gắm gửi câu chuyện của mình. Nhờ đó mà ta có “ thơ Điên”- thơ của một kẻ điên đang quặn mình trong “ Đau thương”.
          “ Kẻ khác ” là những kẻ chạm vào ranh giới của những chuẩn mực, họ bị đẩy ra rìa, bị xa lánh, trở nên cô độc và không thể chia sẻ với ai- họ bị tước mất quyền lực cao nhất của con người: ngôn ngữ. Chí Phèo- con quỷ dữ của làng Vũ Đại- “ mã định danh” mà dân làng gán lên Chí để đẩy hắn ra ngoài rìa xã hội, đã trở thành một “ kẻ khác” với đồng loại, trở thành một kẻ mà tiếng nói của hắn không có ai lắng nghe. Hắn rơi vào bi kịch khủng khiếp nhất của một con người- bi kịch “ chỉ có ba con chó dữ và một thằng say”- bi kịch tiếng nói rơi vào hư không! Không ai lắng nghe Chí Phèo, không ai quan tâm đến sự tồn tại của hắn, và để giao tiếp, để thể hiện mong muốn của mình đối với kẻ khác, hắn chỉ có thể “ rạch mặt ăn vạ”- đó là hành động của một kẻ đánh mất năng lực ngôn ngữ!
         “ Kẻ khác”- ấy là những người luôn chìm đắm trong “ Miền hoang tưởng” ( Nguyễn Xuân Khánh) của bản thân. Nhân vật Tư là một kẻ bị gắn mác hoang tưởng, một “ phó thường dân” không được xã hội công nhận. Từ bỏ công việc bác sĩ ổn định ở Tây Bắc về Hà Nội với giấc mộng trở thành một nhạc sĩ, Tư sống như một kẻ lạc loài vì không ai thấu hiểu những suy tư của anh, anh sống như chàng lữ khách lang thang trong những mộng tưởng của chính mình. Từ chối sự ổn định, ngọt ngào, để tìm chất kích thích trong cái hoang dại và sự tàn nhẫn, luôn mang trong mình những mộng tưởng để rồi nhiều lần vỡ mộng vì hoang tưởng, Tư trở thành một “ kẻ điên”, một người “ có bệnh” vì ám ảnh về những giấc mơ, vì những giọng nói cứ vang vọng trong cõi tinh thần... Tư sống khác với những người “ bình thường”, là một “ kẻ khác”, lạc loài trong chính cộng đồng của mình.
        “ Kẻ khác”, ấy là kẻ từ chối giống với đám đông. Scarlett Ohara ( Cuốn theo chiều gió- Margaret Mitchell)- tiểu thư của một gia đình điền chủ giàu có, là một con người “ lệch chuẩn” như thế. Chính tác giả đã từng nói: “ Scarlett O'Hara không đẹp theo cách truyền thống”, không yểu điệu, yếu đuối, hiền dịu như những tiểu thư khác trong vùng, và như thứ gọi là chuẩn mực, nàng thông minh, sắc bén, táo bạo, mạnh mẽ, độc lập, có chút nổi loạn, ích kỉ, và phù phiếm. Nàng dường như có chút khác biệt so với những phụ nữ miền Nam - những người luôn được xã hội xem như những sinh vật xinh xắn cần sự bảo vệ của đàn ông. Suy nghĩ của nàng không giống những hoa khôi miền Nam điển hình chỉ biết dự tiệc tùng. Nàng phóng khoáng, tự do, và sự tự do ấy khiến nàng sống có đôi phần buông thả, khiến nàng vấp phải những định kiến, những phán xét của người đời. Song, chính điều đó giúp nàng trở nên khác biệt, dám sống là mình, cho mình, vượt qua mọi thử thách và không bao giờ nguôi niềm tin: “ Sau tất cả, ngày mai lại là một ngày khác!”
         Những câu chuyện về kẻ khác luôn mang một giá trị nhân văn, bởi lẽ được chia sẻ là hạnh phúc của người viết, và chia sẻ được là hạnh phúc của người đọc. Chia sẻ là hạnh phúc chung của người đời. Chẳng phải văn chương muôn đời vẫn là một sự chia sẻ vô tận của con người hay sao! Mỗi “ kẻ khác” đều có khao khát được lắng nghe, và sự lắng nghe ấy giúp ta nhẫn nại hơn, đồng thời là cơ hội để ta soi rọi nội tâm của chính mình.
Hà Hạnh Nhiên.

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.