Header Ads

Vào vườn Dầu với Chúa Giê-Su



Nhập nguyện

Xin Chúa Thánh Thần cho con được biết vào vườn dầu và canh thức với Chúa Giê-su.

Suy chiêm
Suy chiêm theo tác động Mc 14,32-42.
Cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giê-su.

Tôi có trách nhiệm về cơn hấp hối và cái chết của Chúa hay không?

Tôi có cảm được phần nào sự buồn phiền đó khi gặp thử thách, đau thương và có muốn có người an ủi hay không?

JL 42:1: Các Thánh đều thích dừng lại chiêm ngắm mầu nhiệm Giết-si-ma-ni. Mặc dầu bạn chưa yêu Chúa Giê-su nhiều lắm song bạn không thể không cảm thấy nỗi đau đớn của Ngài tại Vườn Cây Dầu. Vì tội lỗi bạn, bạn có trách nhiệm trong cơn hấp hối và cái chết của Ngài: chính vì bạn và anh chị em bạn, mà tâm hồn Ngài buồn đến chết được. Bạn cũng cảm được phần nào sự buồn phiền đó khi gặp thử thách, đau thương và muốn có người an ủi. Chúa Giê-su hấp hối trong cảnh cô đơn, bị bỏ rơi.
Con ở lại đây mà canh thức với Thầy!
Tôi có nghe thấy lời van xin và tâm sự của Chúa Giê-su không? Tôi đáp ứng thế nào?
Khi tôi cảm thấy mình khô khan và vô cảm trước cơn hấp hối của Chúa, thì phải hiểu hiện tuợng này như thế nào?

- Hiện tượng này cho tôi nhận ra tôi là người thế nào đối với Chúa?

- Tôi phải có thái độ nào (2-6.)

JL 42:2-6: Ngài đã nhiều lần nhắc các môn đệ: “Anh em ở lại đây mà canh thức”. Chúa Giê-su mời bạn ở lại lâu giờ để chăm chú lặng lẽ hiện diện với những gì đang dày vò tâm hồn Ngài “Mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Nhưng đây lại là lúc bạn cảm thấy không cầu nguyện được; như các môn đệ, các người thân của Chúa Giê-su, bạn mệt nhọc và buồn ngủ.

Không phải chỉ mệt nhọc trong thân xác mà còn thiếu khả năng tập trung. Điều này thường xảy ra khi người ta cầu nguyện lâu giờ, sở dĩ có khó khăn này không phải do lười biếng hay ích kỷ, nhưng vì chúng ta không hiểu nổi. Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện” (Mt 26,36). Giữa cái ngồi lại đây để cầu nguyện và cái đàng kia là cả một vực thẳm.

Điều khó là bạn không vượt qua được vực thẳm đó nên khó cầu nguyện. Bạn không chia sẻ được nỗi phiền muộn của Chúa Giê-su và còn phải đứng ngoài ngưỡng cửa, vì con tim tội lỗi của bạn đã chai đá, bạn buồn ngủ, mệt mỏi, nặng nề. Như các môn đệ, bạn thiếp ngủ trong vô thức. Còn Chúa Giê-su đứng đó, hùng vĩ trước mầu nhiệm cái chết gần kề. Bạn cảm thấy chưa yêu mến Ngài đủ, trong khi Ngài yêu bạn vô cùng. Ngài đơn độc, ước ao bạn đến an ủi Ngài.

Nếu bạn khổ tâm vì yêu Ngài quá ít đó chỉ là sự thật, hãy van nài Thánh Thần cho bạn được cảm nếm mầu nhiệm. Nếu bạn đáp ứng tiếng Chúa kêu mời, bạn sẽ bớt khô khan, chai lì, trước cuộc khổ nạn. Chỉ cần thinh lặng ở lại với Chúa Giê-su vì Ngài. Không ai có thể chia sẻ cơn hấp hối của người khác được nhưng người đứng kề bên, trở nên khôn ngoan hơn. Hãy kiên trì canh thức cầu nguyện.

Bạn chẳng thể hiểu thấu sự đau khổ, buồn rầu của Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, người Tôi Tớ đau khổ, Con Chiên bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi. Chỉ có thể đơn sơ ở lại bên cạnh Chúa Giê-su, tỉnh thức trong đức tin và tình yêu. Khi gặp một người đau khổ, bạn không làm một bài diễn văn dài để giải thích ý nghĩa của sự đau khổ nhưng bạn ở gần bên để thông cảm nỗi niềm người đó đang trải qua.
Lúc này tôi phải cầu nguyện ra sao? (7-8).

JL 42:7-8: Tại Vườn Cây Dầu, bạn thoát ra khỏi chính mình và những bận tâm của bạn để chỉ nghĩ đến Chúa Ki-tô và nỗi khổ của Ngài. Một lời cầu nguyện vô vị lợi. Chọn theo Chúa Giê-su là một lựa chọn đích thực. Cầu nguyện như vậy không dễ dàng đâu, vì nó đòi hỏi một sự thinh lặng sâu thẳm và một bầu khí thống nhất đồng bộ, tất cả cái nhìn ý thức của bạn chọn tập trung vào một mình Đức Giê-su. Chậm rãi đọc lại đoạn Đức Giê-su ở trong Vườn Cây Dầu (Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,40-46) và hãy để từng lời Chúa Giê-su vang vọng trong lòng bạn.

Chấp nhận kiên trì lâu giờ, và Chúa Giê-su, với nét mặt đau thương rực rỡ của Ngài, sẽ xâm nhập con người bạn và tạo nên một sức hút có thể rút bạn ra khỏi tội lỗi.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng JL 43.
Cuộc chiến đấu của Chúa Giê-su

1) Cam go như thế nào?

2) Cho tôi biết Đức Giê-su là người như thế nào? Vâng phục Cha ra sao? Yêu con người thế nào?

3) JL 43:1-7 chia sẻ như thế nào?

Chúa Giê-su trải qua cơn hấp hối, bạn chỉ theo Ngài từ xa, làm sao có thể hiểu nổi những lời Chúa Giê-su thưa với Cha. “Ngài sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện”. So sánh hai thái độ của Ngài. Trong bữa Tiệc Ly Ngài thanh thản đối diện với sự chết, tại Vườn Cây Dầu, Ngài phải uống chén đắng trong xao xuyến phiền muộn. Quang cảnh cơn hấp hối nêu rõ nhân tính của Ngài; trong Tin Mừng lúc nào Chúa Giê-su cũng làm chủ tình thế và lúc này Ngài ở bên bờ tuyệt vọng. Đức Giê-su vẫn là một con người, ý thức mình tự do, biết khắc khoải trước tương lai. Con người không biết cái gì sẽ xảy ra cho mình ngày mai, nếu không thì không còn tự do nữa, và luôn luôn phải lựa chọn xây dựng hay hủy hoại cuộc sống mình. Trong cuộc chiến đương đầu với cơn hấp hối, Chúa Giê-su tự do chọn ý Cha.

Ngài sốt sắng cầu nguyện như thế nào khi Ngài sấp mình xuống đất?

Mc 14,35: “Người đi xa hơn một chút, ngã xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ đau khổ ấy, nếu có thể được”.

Mc 14,36: “Người nói: Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho Con khỏi uống chén đắng này, nhưng đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”.

Tại sao lại diễn tả cùng một lời nguyện theo hai thể văn khác nhau? Cha A. Georges giải thích rằng Giáo Hội sơ khai thấy lời cầu xin thứ nhất nghe chói tai, không hiểu sao Chúa Giê-su đã dâng chén trong phòng Tiệc mà lại xin Cha cất đi, nên mới thêm câu thứ hai cho có vẻ tùng phục hơn.

Qua nhiều giờ, Chúa Giê-su cầu nguyện với bản văn thứ hai ghi lại ở câu 36 (Mc 14,39-41). Xin Chúa cho bạn được nghiệm phần nào mầu nhiệm cơn hấp hối của Chúa Giê-su. Với tư cách là một con người vẫn còn có thể thay đổi vì Ngài thưa với Cha: “Cha có thể làm được mọi sự”, Ngài vẫn có thể chấp nhận hoặc từ khước ý Cha.

Do đó có một sự tranh chấp nội tâm giữa theo ý Cha và theo ý Con. Đây là lần duy nhất Chúa Giê-su cảm được chiều hướng tự nhiên đi ngược với ý Cha. Ngài đặt mình trong hoàn cảnh bi đát của một con người có tự do chứ không bị áp đặt từ bên ngoài. Cuộc sống Chúa Giê-su là một cuộc sống của một con người chứ không phải là một cuộc sống của người máy chỉ thi hành một chương trình vạch sẵn. Chúa Giêsu đã bị dày vò khi chọn ý Cha, và ý Cha chiến thắng không phải vì do ấn định trước, Ngài đã phải xin Cha cất chén đắng.
Tôi cảm nghiệm cuộc chiến đấu nội tâm của Chúa Giê-su.

1) Khi nào và đến mức độ nào? (8).

Bạn nghiệm được cuộc chiến nội tâm của Chúa Giê-su. Khi phải quyết định bỏ ý riêng để theo ý Chúa, cuộc chiến có thể kéo dài hàng giờ nhất là khi liên quan đến những lựa chọn căn bản cho cuộc sống. Không có chuyện dứt khoát một lần là xong. Chúa Giê-su tiếp tục thưa: “Lạy Cha”. Chỉ có tình yêu mới thắng nhưng phải tin Cha có thể làm được mọi sự, và phó thác cho sự an bài của Cha.

2) Chúa Giê-su yêu Cha như thế nào? (9).

Chúa Giê-su yêu Cha biết chừng nào. Ngài bỏ ý riêng để nhận ý Cha làm ý của mình trong cơn hấp hối. Chúa Giê-su luôn quy chiếu ý mình về ý Cha, luôn có trước mắt tình yêu Cha và tình yêu anh em, nhờ vậy mới đủ sức đi tới cùng. Phúc Âm không nói rõ Chúa Giê-su chấp nhận như thế nào nhưng cuối cơn khủng hoảng, ý Cha là ý của Con. Chúa Giê-su bình thản oai nghiêm chờ Giu-đa và quân lính đến bắt Ngài. Từ lúc này trở đi, Ngài không còn do dự nữa và sẽ đi tới cùng, câu cuối cùng trên thập giá là “Mọi sự đã hoàn tất”.

3) Cuộc chiến của Chúa Giê-su cho tôi sức mạnh như thế nào? (10).

Từ khi Chúa Giê-su đã vào Vườn Cây Dầu, một con người giống như bạn đã trải qua cơn thử thách cam go, đã hấp hối và chịu chết nên dù có gặp gian nan nào đi nữa, bạn có thể an tâm vì có người thông cảm mọi nỗi đau thương và ban cho bạn sức mạnh. Xin Ngài củng cố bạn.

Kết nguyện
Sưu tầm Jos .Price

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.