Từ ngày 03 đến 08/3/2011 vừa qua, Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam đã tổ chức Khóa Bồi Dưỡng cho các chị Tân Cố Vấn Tỉnh Dòng (CVTD) và các chị Tân Phụ Trách Cộng Đoàn nhiệm kỳ 2011-2014 tại Cộng Đoàn Thánh Tâm. Khóa bồi dưỡng sứ vụ mới mang tên “Hãy Bước Đi Như Quyển Tin Mừng Sống Động lần II”, dành riêng cho các chị Tân Cố Vấn Tỉnh Dòng đã được chị em tín nhiệm bầu chọn, cũng như chị một chị Tân CVTD và các chị Tân Phụ trách Cộng Đoàn vừa được HĐTD bổ nhiệm.
Trong ngày Khai mạc 03/08, Cha Phó Giám Tỉnh OFM dâng lễ và chia sẻ với chị em về Vai trò người Phụ trách trong đời tu. Cha nhắc lại tinh thần của cha Thánh Phanxicô khi ngài đã làm một cuộc cách mạng trong danh xưng, theo như cách Chúa làm và lời Chúa dạy: “kẻ làm đầu phải hầu thiên hạ” hay đúng hơn, phải là “đầy tớ”; nên Ngài gọi bề trên là người phục vụ; và như thế Tổng phục vụ phải là người phục vụ các người phục vụ! Ngài cũng dí dỏm diễn giải rằng “phụ trách” là người dễ bị “trách móc và phụ bạc”, nghe có vẻ xót xa ngậm ngùi, nhưng cũng đúng cho thân phận của kẻ làm “tôi tớ” người khác, vì có mấy khi chủ lại biết ơn tôi tớ. Cũng theo cha Thánh Phanxicô là con người của Phúc Âm, người phục vụ chính là người rửa chân cho anh em. Đây là một bài học quan trọng bậc nhất mà Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ.Cha cũng đưa ra các nguyên tắc về “Lãnh đạo Phục vụ” (Servant Leadership), trong các tổ chức đời và cả trong lãnh vực kinh doanh hôm nay. Mới đây Lorin Woolfe viết cuốn “Lãnh đạo trong Kinh thánh” triển khai các phẩm chất cần có của một người lãnh đạo:
(1) Chính trực và lương thiện – và các gương mẫu là Samuel, Phaolô, và Isaia.
(2) Sống có mục đích – có dự phóng, như Môisen đã dẫn dắt dân Israel về đất hứa.
(3) Lòng nhân ái và lòng tốt: gương mẫu là Đức Giêsu và David.
(4) Tính khiêm nhường: gương mẫu là Phêrô và ông Gióp.
(5) Có khả năng giao tiếp: gương mẫu là Giosuê cùng với chiếc tù và.
(6) Kĩ năng quản lí hiệu quả công việc: gương mẫu là Noe, Salomôn, Giêrêmia.
(7) Biết đoàn kết để tạo sức mạnh tập thể, gương mẫu là Nêhêmia.
(8) Lòng can đảm để vượt qua khó khăn, thử thách: Đaniel và 3 người bạn.
(9) Công bằng và bình đẳng: thánh Giacôbê tông đồ và ông Giuse trong CƯ.
(10) Phát triển đội ngũ lãnh đạo và người kế tục: Đức Giêsu và Môisen.
Cách đây hơn 90 năm cha Colomban, OFM cũng đã nói về các phẩm chất cần có của một “vị bề trên tốt”. Đó là (1) Công bằng và không thiên vị. (2) Khiêm nhường mà không nhát đảm. (3) Khôn ngoan mà không đa nghi. (4) Kỉ luật mà không khuôn khổ. (5) Đạo đức mà biết biện phân, không dễ tin vào thần khải. (6) Bác ái mà không yếu mềm… Sau đó Cha cầu chúc chị em có một tuần lễ học hỏi, tập huấn thành công…Tiếp đến, chị em chính thức bắt đầu ngày làm việc với nghi thức cầu nguyện, dâng những biểu tượng của công tác phục vụ cùng với những ngọn nến đi kèm: Lời Chúa và Hiến pháp như điểm quy chiếu của đời sống, chổi quét - vò nước – khăn - chậu: biểu tượng cho tư cách phục vụ, theo gương Chúa Giêsu rửa chân cho chị em mình, và quả địa cầu như thế giới với đầy dẫy những nhu cầu, nơi mà chị em được mời gọi dấn thân phục vụ. Trong lời tuyên bố khai mạc khóa bồi dưỡng, Chị Giám tỉnh cám ơn chị em hữu trách đã đón nhận trách nhiệm mới với sự sẵn sàng trong đức tin và tình yêu qua tiếng “XIN VÂNG” như Đức Maria. Chị mời gọi chị em lắng nghe lời Chân Phước Mẹ Marie de la Passion: “Như thánh Phanxicô, con hãy cố gắng trở nên âm vang trung thực của Chúa Giêsu, hãy sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, hãy trở nên giống Chúa Giêsu đến nỗi hình ảnh của Người in rõ nét nơi con, hầu để chính Chúa Giêsu quản trị trong con và qua con.”
Chị cũng nhắc lại lời ĐTC Biển Đức XVI nhắn nhủ các Bề Trên Thượng Cấp tại Roma ngày 1/6/2006: “Việc phục vụ quyền bính đòi hỏi một sự hiện diện liên lỉ, có khả năng náo hoạt và đề nghị, nhắc nhở về lý do hiện hữu của đời sống thánh hiến”. Nhiệm vụ này luôn đi kèm với Thập Giá và đôi khi kèm theo sự cô đơn, điều này đòi hỏi nơi người hữu trách một ý thức sâu xa về trách nhiệm của mình với lòng quảng đại-hi sinh. Nhiệm vụ này cũng mời gọi chị em phuc vụ không biết mệt mỏi và một sự quên mình liên tục. Chị em được mời gọi nâng đỡ chị em mình đang sống đời thánh hiến trong một thời đại khó khăn và có nhiều cạm bẫy”… Sau đó chị đưa ra lời cật vấn cho mỗi chị em: Làm thế nào để TẦM NHÌN của Tu Nghị Tỉnh Dòng 2010 “Là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chúng ta ước mong Lời Chúa được nhập thể và khuôn mặt khiêm hạ của Thiên chúa được biểu lộ trong đời sống hằng ngày và trong toàn thể tạo thành” có thể trở nên động lực giúp người lãnh đạo “Bước đi như một quyển Tin Mừng sống động” và có khả năng náo họat cuộc sống của cộng đoàn và tỉnh dòng qua những sứ vụ mà Thiên Chúa vừa giao phó cho chúng ta?
Trong ngày làm việc đầu tiên 03/03, Chị Giám tỉnh đã giúp chị em đào sâu đề tài “NGƯỜI LÃNH ĐẠO HÔM NAY”. Chị em có thời gian để suy tư cá nhân về đề tài, sau đó làm việc nhóm và chia sẻ khoáng đại dựa trên 4 câu hỏi. Điều cần thiết để trở thành người lãnh đạo hôm nay với những não trạng và lứa tuổi khác nhau là phải có đời sống cầu nguyện sâu sắc, đời sống đức tin vững chắc, quân bình và giúp chị em sống quân bình, đạo đức ‘thật’. Cần hiểu tâm lý, kỹ năng sống, cập nhật thông tin kiến thức, có khả năng dung hòa giữa các thế hệ, độ tuổi, nhanh nhạy ứng phó với các vấn đề. Người hữu trách phải là mối dây hiệp nhất, liên kết chị em và giúp chị em sống tinh thần đồng trách nhiệm, luôn đi bước trước, yêu thương, hy sinh, làm gương sáng, làm trước nói sau... Để chuẩn bị đảm nhận trách vụ mới này, chị cần sống tinh thần đức tin, thiết lập một mối tương quan mật thiết, vững vàng với Chúa qua đời sống cầu nguyện, học hỏi-đào sâu-thấm nhuần Hiến pháp và Đoàn sủng, các tài liệu liên quan đến việc quản trị và kỹ năng sống, quân bình giữa tâm-thể lý, dám mạo hiểm, chu toàn bổn phận, sống tính thuộc về…
Ngày thứ hai 04/03, Chị Hồng Loan giúp chị em phương pháp làm dự phóng cộng đoàn trước tiên bằng việc qui chiếu về Hiến pháp điều 26, 128, 138, c7 và tìm ra những từ ‘chìa khóa’ để thấy rõ phương thức làm việc. Sau đó chị em cần xác định đúng đối tượng phục vụ chính, sứ mạng ưu tiên của cộng đoàn, đồng thời đưa ra được những mục đích, mục tiêu và phương tiện để thực hiện; trong đó mục tiêu phài cụ thể, rõ ràng, lượng định được và theo sát bối cảnh riêng của cộng đoàn mình. Phần thực tập làm Dự phóng cộng đoàn giúp chị em thấy rõ hơn các yêu cầu cụ thể của bản Dự phóng...
Ngày thứ ba 05/03 Chị Thecla Giồng – Giám tỉnh Dòng Đức Bà - giúp chị em về đề tài “Tâm lý quản trị”. Chị chia sẻ các kinh nghiệm thực tế một cách thân tình chứ không giảng lý thuyết. Từ kinh nghiệm cuộc sống chị thấy mình cần bám chặt vào Chúa Thánh Thần và phải khiêm tốn phục vụ như một người tôi tớ. Điều quan trọng không phải là làm cho chị em thương mình, nhưng là làm cho chị em lớn lên. Từ góc nhìn tâm lý, chị phân tích những đặc điểm tâm lý của từng lứa tuổi trong đời tu, từ những người trẻ với bao ảnh hưởng của lối sống thực dụng hôm nay, đến những chị em tuổi trung niên có biết bao vấn đề, và tuổi cao niên với xu hướng bám vào quá khứ, sợ thay đổi... Chị kể nhiều câu chuyện cụ thể, những cách sống và lối phản ứng khác nhau giữa các thế hệ, đòi hỏi sự cảm thông và khả năng dung hòa để tạo lập hiệp nhất. Xã hội hiện đại đang có quá nhiều loại “bụi”, do đó người phụ trách cần giúp chị em có sự trưởng thành, sống quân bình cởi mở, biết chia sẻ những điều thích hợp, có cái nhìn siêu nhiên…
Ngày thứ tư và thứ năm (06-07/03), chị Minh Tần và chị Hội giúp chị em học tập tài liệu thường huấn 2011 của Hội Dòng về chủ đề ‘Hòa Giải’, nhằm giúp các người hữu trách nắm vững nội dung và biết cách hướng dẫn chị em thiết lập dự phóng CĐ đúng qui định và thực hiện tốt tiến trình hòa giải. Đây là một chủ đề rất hay, đụng chạm đến nhiều lãnh vực của cuộc sống: cá nhân, các tương quan, cộng đoàn, tỉnh dòng, quốc gia, quốc tế và môi sinh. Tài liệu đưa ra bốn chiều kích của tương quan cần được hòa giải : thiêng liêng, bản thân, xã hội, và môi sinh. Để bắt đầu tiến trình hòa giải, chị em được dành thời gian thong dong tập “Ôn lại đời mình”, vẽ lại “bản đồ” hành trình cuộc đời để nhận ra tình trạng hiện nay của mình, ý thức mình cần ơn Chúa để có sức thực hiện tiến trình tha thứ và hòa giải. Chị em cũng được giúp tham dự những giờ phụng vụ giúp “Hòa giải” và “Chữa lành ký ức còn đau”, nhận ra những cảm xúc khác nhau nơi mình để thay đổi chúng. Nhờ đó chị em biết mở lòng đón nhận ơn chữa lành của Đức Giêsu Kitô và được tình yêu chữa lành của Người biến đổi; để có thể đón nhận bản thân và tha nhân trong sự tha thứ chân thành.
Ngày cuối của Khóa Bồi Dưỡng 08/03 nhằm ngày Phụ Nữ Quốc tế lần thứ 100. Ban tổ chức cho chị em đi tham quan dã ngoại tại Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến thuộc tỉnh Bình Dương. Chị em được một ngày cười “xả stress” với những trò chơi mang tính lãnh đạo, và tham quan “mỏi cả chân” với những địa danh hấp dẫn như các Khu vui chơi giải trí, Khu Kim Điện, Bảo Tháp 8 tầng, Dãy núi Ngũ Hành Sơn… với những hồ cá, những cây cảnh và nhiều kiến trúc trang trí đẹp… Buổi trưa chị em đi tìm nhà hàng “Mỹ Liên” mãi không ra, sau mới biết đó chính là nhà hàng “Miễn Ly” với nhiều món ăn tự chọn, ngon mà không đến nỗi đắt, vui hơn nữa là có ân nhân sẵn lòng trả tiền bữa ăn cho chị em.
Buổi chiều Cha Giám tỉnh OFM đến dâng thánh lễ Bế mạc Khóa Bồi Dưỡng. Cha nhận định rằng Hiến Pháp của chị em không nhắc gì đến việc “rửa chân cho nhau” như bên anh em, như thế chị em không phải vất vả vì việc rửa chân… Trong khi đó anh em có người lại không muốn mình được rửa chân nên người rửa chân cũng rất… khổ! Phần dâng lễ vật chung với các lời nguyện, chị em hiệp dâng lên tất cả những dự định tương lai của Tỉnh Dòng và từng mỗi cộng đoàn. Cuối lễ có nghi thức sai đi cho các tân Phụ trách. Chị Giám tỉnh trao thư bổ nhiệm của Hội đồng Tỉnh Dòng cho các tân Phụ trách cùng với một cây xanh xinh xắn tượng trưng cho sức sống của chị em trong mỗi cộng đoàn, với ước mong các chị tân Phụ trách sẽ chăn sóc để mỗi chị em luôn triển nở trong Đoàn sủng FMM.
Sau thánh lễ Bế mạc, Cha Giám tỉnh OFM dùng cơm chung với cộng đoàn. Lâu ngày không có dịp gặp gỡ chị em nên nhiều câu chuyện cứ râm ran không dứt, mãi đến 8g30 ngài mới chào chị em ra về. Thời gian còn ít nên giờ chơi chung được thu ngắn lại. Chị Lư Nhung được mời chia sẻ các câu chuyện nghe “rớt nước mắt” của vùng truyền giáo Đông Phi, chị Phi Vân kể một chút về tình hình sức khỏe của Ba và xin chị em cầu nguyện… Sau đó các em khấn Tạm có một vũ điệu rất đẹp về Mẹ để mừng các chị trong ngày 8/3. Để kết thúc, chị Quỳnh Giao đại diện chị em tham dự Khóa Bồi Dưỡng cám ơn chị Giám Tỉnh và chị em cộng đoàn Tỉnh Dòng đã tiếp đón chị em chu đáo tận tình…
Tạ ơn Chúa vì những ngày gặp gỡ chuẩn bị cho sứ vụ mới của các chị em hữu trách. Ước mong mỗi chị em sau những ngày bồi dưỡng biết mở ra cho việc nắm bắt sứ vụ mới và tự huấn luyện chính mình; để có đời sống cầu nguyện sâu, có tầm nhìn xa, có khả năng lắng nghe biện biệt, biết xây dựng những tương quan tốt, nhưng cũng có khả năng chấp nhận cả những giới hạn của mình lẫn của chị em, để khiêm tốn và quảng đại xây dựng cộng đoàn. Xin mọi người tiếp tục nâng đỡ các chị em hữu trách, đặc biệt bằng lời cầu nguyện, để chị em thực sự trở nên những tác nhân phục vụ cho sự hiệp nhất trong mỗi cộng đoàn và cả Tỉnh dòng, từ đó mở ra cho mọi người mà chị em được mời gọi dấn thân phục vụ…
Chị em FMM Việt Nam
Không có nhận xét nào