Header Ads

Những nghịch lý cuộc sống

Cách đây khoảng 1 năm, tôi có dịp đọc quyển sách “10 nghịch lý cuộc sống” do tác giả Kent M.Keith. Đó thật sự là một quyển sách hay và ý nghĩa. Quyển sách ấy chất chứa nhiều triết lý sống sâu xa mà nhiều người trong chúng ta, bạn và tôi,  đã từng sống nhưng không một ai trong chúng ta đã tổng hợp lại một cách súc tích và đầy đủ được như tác giả.
Kể từ khi đọc quyển sách đó, tôi đã từng ngày nỗ lực sống hết mình vì tôi hiểu, mặc cho cuộc sống đôi khi có không công bằng với chúng ta, nhưng dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải sống tốt.
Ở đây, tôi xin được chia sẻ với bạn một chút tâm sự của mình sau hơn một năm “sống với những nghịch lý”.
Nghịch lý thứ nhất: “Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.”
Thành thật mà nói, đây là nghịch lý khó sống theo nhất vì tôi cảm thấy mình không phải là một vị thánh. Nhưng ít ra, tôi cũng luôn học cách yêu thương những người xung quanh mình bởi vì tôi tin rằng, tôi không bao giờ  có thể thoát khỏi tình yêu thương của họ. Nếu chúng ta không thể yêu thương cả thế giới, ít ra hãy bắt đầu bằng cách thật sự yêu thương những người quý mến mình, tin tưởng mình và ủng hộ mình, bởi vì họ xứng đáng được như thế. Và đó là điều tôi đang làm. Cho nên, dù sao đi nữa, chúng ta hãy tiếp tục yêu thương.
Nghịch lý thứ hai: “Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.”
Trong nỗ lực chia sẻ kiến thức của mình cho cộng đồng và giới trẻ, tôi thường không ngần ngại sắp xếp thời gian đi diễn thuyết ở nơi này nơi kia khi được mời, thậm chí đã có khi tôi hoãn cả chuyến bay của mình. Và nếu đơn vị mời tôi đến là trường học thì tôi lúc nào cũng đến để chia sẻ hoàn toàn vô tư. Vậy mà, vẫn có một số ít người, vì lý do nào đó nói rằng tôi “xin” diễn thuyết không lấy tiền để PR. Nhưng lạ thay, nếu tôi nhận thù lao diễn thuyết, thì cũng chính những người này sẽ nói tôi “kiếm tiền”, mặc dù trong cả hai trường hợp đều là thời gian và công sức lao động chân chính.  Tôi tin rằng bạn cũng đã có lúc bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cho nên, dù sao đi nữa, chúng ta hãy tiếp tục làm điều tốt.
Nghịch lý thứ ba: “Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.”
“Thành công” là một từ rất trừu tượng. Nó tùy thuộc vào định nghĩa thành công của từng người và so sánh người này “thành công hơn” người khác trong nhiều trường hợp sẽ là khá khập khiễng. Cho nên, tôi không  bao giờ dám cho mình là thành công theo định nghĩa của tất cả mọi người, nhưng nếu theo định nghĩa của riêng tôi, thì tôi đang có những thành công ban đầu. Và có lẽ chỉ vì mới là thành công ban đầu cho nên tôi chưa gặp phải những người bạn giả dối, nhưng tôi gặp phải không ít những “kẻ thù” thật sự. Những “kẻ thù” này đặc biệt ở chỗ, họ chưa từng gặp tôi, chưa từng trò chuyện với tôi, họ chỉ đơn giản lựa chọn là kẻ thù của tôi bởi vì một lý do nào đó mà chỉ có bản thân họ mới hiểu. Cũng may, loại người này rất hiếm so với hàng trăm hàng ngàn người bạn tốt (như bạn đây) mà tôi có được. Cho nên, dù sao đi nữa, bạn hãy yên tâm mà vươn tới thành công.
Nghịch lý thứ tư: “Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.”
Những việc tốt chúng ta làm, đôi khi không những bị lãng quên mà còn bị phủ nhận bởi một số người. Tôi cũng chỉ mới bắt đầu làm những công việc mà tôi tin rằng rất có ý nghĩa cho đất nước và xã hội. Lúc đầu một số người cho là lừa đảo, nhưng càng về sau, càng nhiều người gọi đó là điều kì diệu. Dĩ nhiên, vẫn có một số người tiếp tục cho đó là lừa đảo, nhưng chính nhờ họ mà tôi tin rằng, tôi và các cộng sự của mình đang làm nên những điều kì diệu. Bởi vì, nếu những việc chúng tôi làm mà người khác vừa nghe đã tin ngay thì liệu những việc đó có đáng gọi là kì diệu?
Thế nhưng, sự kì diệu sẽ không bao giờ tồn tại lâu, vì khi mọi người đã chấp nhận nó thì nó trở thành… bình thường. Vài chục năm trước, Internet là điều kì diệu, nhưng hôm nay, Internet là điều bình thường. Và những việc tôi làm cũng thế, hôm nay nó là điều kì diệu, nhưng 10 năm nữa đó là điều bình thường.
Có thể bạn cũng đang làm hoặc có dự định làm nên những điều kì diệu trong cuộc sống. Có thể sẽ có người không tin bạn, có thể sẽ có người không ủng hộ bạn, có thể rồi những điều bạn đã làm hoặc sẽ làm rốt cuộc rồi cũng bị rơi vào quên lãng, nhưng dù sao đi nữa, hãy can đảm để làm những điều kì diệu.
Nghịch lý thứ sáu: “Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.”

Tôi không dám tự cho rằng những việc tôi đang làm là lớn lao. Lớn lao hay không thì sẽ phải do những người công bằng như bạn đánh giá. Nhưng tôi tin rằng tôi đang làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời mình và cho xã hội. Trên con đường đó, tôi gặp một số “đối thủ” với những chiêu bài thấp hèn. Mặc dù tôi luôn mong được hợp tác hơn là cạnh tranh, nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế. Và thế là tôi cùng các cộng sự phải lao vào những cuộc chiến không cân sức giữa lý tưởng sống và những suy tính tầm thường để bảo vệ những triết lý sống và làm việc mà chúng tôi tin tưởng.
Tôi tin rằng, bạn cũng đã có lúc gặp phải những “đối thủ” như thế, nhưng dù sao đi nữa, hãy sống vì ước mơ của bạn.
Nghịch lý thứ tám: “Những thành quả mà bạn đã phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phá hủy chỉ trong phút chốc. Nhưng dù gì đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.”
Là một doanh nhân, tôi đã thất bại nhiều lần trước khi có những thành quả ngày hôm nay. Ngay cả khi đạt được  thành quả rồi, mọi thứ cũng không bao giờ có thể được xem là “vững như bàn thạch” được. Chỉ cần một quyết định sai lầm thì bao nhiều mô hôi, nước mắt, công sức,… không chỉ của tôi mà còn của nhiều người  khác có thể… trôi theo dòng nước trong phút chốc. Nhưng cũng trên con đường đó, tôi và các cộng sự phát hiện ra rằng, hạnh phúc không phải nằm ở những gì mình xây dựng được, mà hạnh phúc nằm trong từng phút giây chúng ta hành động để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Cho nên, đừng để nỗi sợ thất bại giữ chân bạn. Ai cũng có thể vấp ngã trong cuộc sống, bạn cũng thế và tôi cũng thế, nhưng thành công đơn giản là không bao giờ bỏ cuộc. Hãy đơn giản hạnh phúc để thành công bạn nhé.
Nghịch lý thứ chín: “Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác. Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.”

“Phản bội” cũng là một từ trừu tượng mà định nghĩa của mỗi người sẽ khác nhau. Nhờ công việc của mình, tôi đã may mắn có dịp giúp đỡ rất nhiều người dưới nhiều hình thức khác nhau: các khóa học, các quyển sách, các buổi nói chuyện, giao lưu, công tác từ thiện,… Rất nhiều người trong số họ đã cảm ơn tôi và tôi cũng rất cảm ơn họ đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với họ. Số ít còn lại… không nói gì. Và một số rất ít tìm cách phủ nhận điều đó (theo tác giả của quyển sách thì họ sợ cái “gánh nặng” phải biết ơn một ai đó).
Nhưng ngay cả khi họ làm thế, tôi cũng không coi họ đã phản bội tôi. May mắn là tôi chưa bao giờ gặp một người thật sự phản bội theo định nghĩa của tôi, cho nên, tôi vẫn luôn tin vào việc mình phải giúp đỡ mọi người.
Còn bạn thì sao? Có thể bạn từng bị phản bội bởi người mình đã giúp đỡ, nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ người khác, vì trong cuộc sống, đa số mọi người hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn.
Nghịch lý thứ mười: “Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.”
Đây có lẽ là nghịch lý tổng quát nhất của tất cả những nghịch lý. Vâng, chúng ta có thể làm những điều mà chúng ta cho rằng tốt đẹp nhất và ý nghĩa nhất, nhưng rốt cuộc cái chúng ta nhận lại có thể là một cái tát phũ phàng. Nhưng đó cũng là khi chúng ta nhìn thấy được ai thật sự là bạn mình, ai thật sự yêu quý mình, ai thật sự tin tưởng mình và nhiều giá trị cao đẹp khác của cuộc sống. Cho nên, vì bản thân chúng ta cũng nhưng những con người đáng trọng ấy, chúng ta hãy sống hết mình cho cuộc sống… dù sao đi nữa…

Dang Khoa

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.