Trang bút ký ghi lại ngày ĐTGM Nguyễn Văn Thuận (hồi đó chưa là Hồng Y) được trao bằng tiến sĩ danh dự do Học Viện Thần Học Notre Dame ở New Orleans vào ngày 11 tháng 5 năm 1996.
Đã có văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, ảnh sĩ, bác sĩ, dược sĩ, thì bây giờ cũng có ngục sĩ, là “bằng tiến sĩ danh dự” được trao tặng những ai đã từng bị vùi giập mà vẫn phây phây cứ vậy thôi:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.
Lạ lắm! Không ai có thể tưởng tượng được rằng người đang đứng trước đám đông người Việt vùng New Orleans nô nức đón chào kia lại đã từng là một “ngục sĩ” trên 13 năm, trong đó thì 9 năm bị biệt giam. Cứ nghĩ rằng với bằng ấy năm bị đầy đọa, thì người phải còm cõi xanh xao, “chất lượng xuống cấp,” chứ có ngờ đâu vẫn tráng kiện cả thể xác lẫn tinh thần.
Con người đó chính là Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, đang trở thành như hiện thân của niềm hy vọng cho lớp dân tan tác. Vẫn giọng khôi hài dí dỏm với biệt tài kể truyện làm mọi người rộn lên niềm vui đầy xác tín của “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng” như tựa đề cuốn sách của Ngài góp lại từ những suy tư viết trong ngục tù. Quả thực, con người này vẫn tràn đầy nhiệt lực, có sức bật sáng lên trong khóe mắt từng người gặp gỡ, có sức “truyền nhiễm” chất lửa của Tinh Thương, của Tin Mừng.
DÂY ĐEO “BỤI ĐỜI”
Người lữ hành này lại đeo một cây thánh giá cũng khá khác lạ. Thay vì được mạ vàng như thường thấy nơi nhiều vị giám mục, dây đeo và cây thánh giá của Ngài lại làm bằng kẽm, giống như kiểu mấy tay bụi đời bây giờ thường đeo như một cái “mốt”. Hỏi ra mới biết đây là loại “bụi đời” thứ thiệt, có “thành tích vào tù ra khám”. Số là khi bị giam tại Vĩnh Phú, sau một thời gian tạo được thiện cảm với tên coi tù, Ngài đã xin được một đoạn dây kẽm và một khúc gỗ. Thế là Ngài đã biến chế thành một dây đeo và một cây thánh giá. Ngài nói gỗ này từ vùng rừng núi Ba Vì là nơi có Đền Hùng, vị quốc tổ Việt Nam.
Đây đúng là dấu tích của tinh thần bất khuất từ tổ tiên tộc Việt, và của lời chứng mãnh liệt (powerful witness) của một người lữ hành trên Đường Hy Vọng như lời Đức Tổng Giám Mục Francis Schulte tổng giáo phận New Orleans phát biểu khi trao bằng tiến sĩ danh dự của Học Viện Thần Học Notre Dame cho Ngài vào ngày 11 tháng 5 năm 1996.
Không can gì! Đó là lời Ngài nhắc đi nhắc lại trong buổi nói chuyện với các sinh viên và đại chúng Mỹ và Việt. Chẳng có gì làm cho mình chùn bước được. Không có gì cản trở nổi. Dù bị cầm chân hơn 13 năm, người lữ hành vẫn cứ đầu cao mắt sáng bước đi trên đường hy vọng. Và đó cũng chính là lời Kinh Thánh đã tạo nên sức mạnh khiến cho bao người đã và đang cùng đi trên con đường này dám thách thức trước bao bạo lực, nhất là qua gương của các tiền nhân anh hùng tử đạo Việt Nam.
HY VỌNG LÀM SAO ĐƯỢC?!
Cứ tưởng tượng coi, trong hơn 13 năm tù thì Ngài bị 9 năm giam cách ly. Đếm từng phút, đếm từng giờ. Ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác. Đằng đẵng như vậy làm sao chịu nổi. Thần kinh căng thẳng đến rùng rợn. Cô đơn đến tột cùng. Cô đơn và xa cách mọi sự tạo nên một cực hình có thể làm điên lên được. Saint-Exupéry trong Một Chuyến Bay Đêm đã diễn thật tài tình cái nỗi cô đơn thèm tình người này. Thà phải đi lao động vất vả nhọc mệt có thể còn khá hơn. Còn có người nọ người kia. Đàng này xa cách mọi sự, thiếu thốn mọi sự, không còn gì hết. Ngột ngạt vô cùng. Từng ngụm khí thở cũng quí quá sức. Chỉ mong có dịp người coi ngục mở hé cửa ra là mình có thể hớp thêm được một ngụm khí trời. Ôi một ngụm khí trời mọi khi vẫn chả bao giờ để ý, vậy mà bây giờ lại trở thành niềm mơ ước, vì có sức “làm hoan lạc tâm can”.
Tờ Clarion Herald ở New Orleans ngày 16 tháng 5. 1996 thuật lại về những năm bị giam cách ly hãi hùng này:
“Nhiều lúc tôi tự hỏi đang là thật hay đang trong cơn ác mộng? Đôi khi tôi chỉ có thể đọc nổi một kinh Kính Mừng hay một kinh Lạy Cha, vì không còn đủ sức tập trung tinh thần. Không thể chịu nổi. Không thể chịu nổi! Dễ bị điên lắm. Tôi đã ốm xuống, sụt mất 48 pao. Nhưng mà đó cũng là điều tốt, vì chất mỡ và chất đường trong máu tôi tiêu tan hết.”
“Khi tôi được thả tù, nhiều người bảo: Chắc Đức Cha có nhiều giờ để cầu nguyện trong nhà tù. Tôi trả lời: Thì cứ vào đó mà cầu nguyện, rồi về kể lại cho tôi nghe.”
BÍ MẬT VỀ MỘT KHÍ GIỚI MẠNH NHẤT
Vậy mà con người ấy vẫn không điên, nhưng vẫn đứng vững, vẫn thắng vượt, vẫn bước đi làm người lữ hành, thì chắc hẳn phải có một bí mật gì? Thì đây trong những chuyến viếng thăm các cộng đồng Việt ở Cali và vùng New Orleans, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã “bật mí” cái bí mật này. Người ta tuốn đến tìm gặp gỡ Ngài như một hiện thân những khổ nạn, những đọa đầy của một đời người. Cũng là những giẫy giụa của dân mình, của mỗi người, nhiều lúc quá phi lý, mà chưa tìm ra câu trả lời. Từ đáy vực đen làm sao tìm được nút bật sáng?
Thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ Việt Nam vùng New Orleans đã chật ních người với bầu khí thật trang trọng. Nhiều thành phần các tôn giáo cũng đến tham dự. Một bài hát làm nhiều người xúc động đã vang lên đúng lúc đầy ý nghĩa do ca đoàn tổng hợp của các họ đạo trong vùng. Bài hát này do chính linh mục nhạc sư Ngô Duy Linh sáng tác và điều khiển, cảm hứng từ lời Kinh Thánh trong thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma, như một bí mật, như một câu trả lời cho tất cả. Và đây chính là “tuyên ngôn” của những người lữ hành trên đường hy vọng:
Không có gì. Không có gì!
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Không có gì. Không có gì!
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
Dù là gian truân hay cùng khốn.
Bắt bớ, đói khát, hay bị lột trần.
Dù là hiểm nguy hay gươm giáo.
Giặc pha nhà cháy, hay ngục tù đày lưu.
Dù là sự sống hay sự chết.
Quyền thần, quản thần, hay thiên sứ.
Dù là nhân loại, hay thụ tạo nào.
Hiện tại tương lai, hay vực thẳm trời cao.
(Roma 8:35, 37-39)
Đó là bí mật về một khí giới mạnh nhất: Niềm Tin Yêu Hy Vọng. Không can chi! Có Chúa Toàn Năng độ trì thì còn sợ gì ai! Bí mật mà Đức Giêsu đã trao cho các môn đồ trước khi từ giã:
“Giữa thế gian, các con sẽ phải khổ đau, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16:33).
Chết là cùng. Mà chết vẫn chưa hết thì còn gì trên đời này phải sợ nữa! Vì thế mà người lữ hành cứ hiên ngang bước tới.
CÁI THẤY CỦA “NGỤC SĨ” EZEKIEL
Người Việt mình nhìn vào thân phận bi thảm của cả một dân tộc trải dài suốt lịch sử vẫn chưa sao tìm được câu giải đáp. Nhiều lúc xem ra phí lí và tủi phận sinh ra làm người Việt Nam gục mặt trước đà tiến của thế giới. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm độ hộ giặc Tây”. Bao nhiêu năm “nổi tiếng” từng ngày, gia tài của mẹ để lại trên Tivi báo chí, với những hình ảnh ghê rợn, nghèo đói, thua thiệt.
Xâu xé từ thời Trịnh Nguyễn, từ thời “bình Tây” thì ít mà “sát Tả” thì nhiều. Rồi gà cùng một mẹ tranh lộn đá đáp nhau tận tình để phục vụ cho các thế lực “trật tự mới” muốn dùng người mình thay chuột làm thí nghiệm cho mớ lý thuyết “tất yếu của lịch sử” mới chế ra. Có thể vì mạng sống ở đây rẻ rúng hơn?! Nay thì thế giới đã cựa mình chuyển sang thiên kỷ 3, có con đường nào cho người mình mở tới không hay vẫn tắc lối?! Bằng ấy năm và bằng ấy cách đầy đọa vùi giập nhau khiến phải thua thiệt cúi mặt nhục nhằn đã đủ chưa?!
Ở Á Châu có hai nước mang thân phận khổ nạn khá giống nhau. Đó là Việt Nam ở phía đông, và Do Thái ở phía Tây. Những đầy đọa của dân tộc Do Thái đã mang một sử mạng làm nơi phát sinh những tôn giáo lớn cho thế giới như Do Thái Giáo và Kitô giáo. Còn những khốn cùng của dân Việt mình liệu có mang sử mạng gì?
Trong lớp người bị đi lưu đầy sang Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, có một “ngục sĩ” tên là Ezekiel. Ngài là một tư tế và tiên tri. Hoàn cảnh của dân tộc Do Thái được tiên ri Ezekiel diễn tả như một bãi tha ma đầy xác chết xình thối, sọ xương chồng chất ngổn ngang ghê rợn. Tình trạng thật thê thảm tuyệt vọng.
Vậy mà trong cảnh huống đó, tiên tri Ezekiel đã nhìn thấy trước một cuộc hồi sinh. Sở dĩ ông có niềm tin ấy, vì dưới mắt ông, Thiên Chúa của tổ tiên ông vẫn đang dẫn đầu lịch sử của dân tộc ông, mặc dù đang đi qua đêm đen hãi hùng, đang mò mẫm qua vùng mồ mả đầy xác chết với xương trắng ngổn ngang. Lịch sử của dân tộc phải có một ý nghĩa, một hướng đi, mặc dù dưới con mắt của nhiều người là phi lý, vô nghĩa và chán chường. Cái hướng lịch sử này như một dòng sức sống đang được mở tới theo một con đường huyền nhiệm do Đấng Toàn Năng, theo nhịp theo điệu. Đã đến lúc nhịp xe lịch sử chuyển bánh thì không một sức mạnh nào cản ngăn được nữa. Tiên tri Ezekiel đã thành công trong việc khắc sâu niềm tin này vào tâm khảm những kẻ lưu đầy qua Thị Kiến Hồi Sinh, khi họ phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc và của chính mình:
“Tay Giavê đã đến trên tôi. Trong Thần Khí của Giavê, Người đem tôi ra và đặt tôi ở giữa cánh đồng, đầy những xương. Người dẫn tôi đi quanh những xương ấy. Và này: các xương ấy nằm la liệt trên mặt cánh đồng. Và này: chúng khô đét cả.
Người phán với tôi: Con người hỡi, các xương ấy hồi sinh được chăng? Tôi thưa: Lạy Đức Chúa Giavê, chính Người biết.
Người mới phán với tôi: Hãy tuyên sấm trên các xương ấy và nói với chúng: các xương khô kia, hãy nghe lời của Giavê! Đức Chúa Giavê phán với các xương ấy: này Ta sẽ đem Thần Khí đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ sống. Trên các ngươi, Ta sẽ cột gân vào. Trên các ngươi, Ta sẽ cho thịt mọc. Trên các ngươi, Ta sẽ căng da. Ta sẽ ban Thần Khí xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ sống. Và các ngươi sẽ biết Ta là Giavê.
Tôi đã tuyên sấm như đã được lệnh. Tôi vừa tuyên sấm thì xảy có tiếng vang dậy. Và này: thật là huyên náo! Các xương xích lại, cái này với cái nọ. Tôi nhìn. Và này: Trên các xương đã có gân. Thịt mọc lên. Và da từ bên trên đã căng lên trên các xương. Nhưng không có Thần Khí trong đó.
Người lại phán với tôi: Hãy tuyên sấm cho Thần Khí. Hãy tuyên sấm, hỡi con người, và nói với Thần Khí: Đức Chúa Giavê phán thế này: “Từ bốn luồng gió, Thần Khí hỡi, hãy đến, hãy thổi vào các tử thi này, để chúng được sống”.
Tôi đã tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần Khí đã nhập vào các xương. Chúng đã hồi sinh. Và chúng đứng dậy trên chân chúng. Một đạo binh lớn, rất lớn.
Bấy giờ Người phán với tôi: Con người hỡi, các xương ấy tức là toàn thể nhà Israel. Này chúng nói: Xương chúng tôi đã khô. Hi vọng tiêu ma. Chúng tôi đã bị chặt phăng mất.
Cho nên ngươi hãy tuyên sấm và nói với chúng: Đức Chúa Giavê phán thế này: Này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, hỡi dân Ta. Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất của Israel. Và các ngươi sẽ biết Ta là Giavê, khi Ta mở cửa mồ các ngươi và đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ cho các ngươi an cư nơi thửa đất của các ngươi” (Ez. 37:1-14)
Quả thực, người Do Thái đã phục hưng dân tộc từ một niềm tin. Rằng mình có thể và phải ngóc đầu dậy. Và người diễn lên viễn ảnh cuộc hồi sinh đó, chính là tư tế Ezekiel, một “ngục sĩ” trong cảnh lưu đầy.
NẺO BƯỚC VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Một thời điểm đầy lo âu khắc khoải nhưng cũng đầy vui mừng và hy vọng như công đồng Vatican II đã diễn tả. Bước chân nào đang đi tới?
Có phải là những bước mệt mỏi lê lết trên đường New York, Paris, London, Tokyo, New Orleans, Los Angeles? Có phải là những bước xiêu vẹo thất thểu, mất hướng ở những con đường Việt Nam? Có phải những bước chùn chân buông xuôi phó mặc cho may rủi của những cuộc vận hành?
Thì đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết một tông thư cho thời điểm này: Đệ Tam Thiên Niên sắp đến (Tertio Millenio Adveniente) ngày 10 tháng 11 năm 1994:
“Nay chúng ta đang tiến gần đến đệ tam thiên niên của kỷ nguyên mới, tâm tư chúng ta hướng về những lời nói của tông đồ Phao-lô: “Khi thời gian đã đến buổi trọn đầy, Thiên Chúa gửi Con Mình đến, sinh từ một người phụ nữ” (Gl 4:4).
“Sự kiện Ngôi Lời vĩnh cửu, trong sự toàn mãn của thời gian đã mặc lấy thân phận của tạo vật, đem lại cho biến cố của Bê-lem cách đây 2000 năm một giá trị hoàn vũ lạ lùng, Nhờ Ngôi Lời, thế giới của các tạo vật được xuất hiện như một hoàn vũ, nghĩa là một vũ trụ được xếp đặt trong trật tự. Và cũng chính Ngôi Lời khi nhập thể, làm mới lại trật tự hoàn vũ nơi các tạo vật” (tông thư, số 3)
Đức Thánh Cha có ý nói một điều đơn sơ: để bước vào thiên niên thứ ba: chỉ có một con đường là tin thấy Chúa Kitô trong cuộc sống. Ngài đã làm người ở giữa con người. Và Ngài mới là Đường, là sự Thật và là Sự Sống. Tất cả những con đường khác chỉ là “sự tìm kiếm Thiên Chúa bằng những bước mò mẫm” (TĐCV 17:27). Đúng là thời điểm tìm được Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thoát. Bởi vì chẳng còn có con đường giải phóng nào khác được nữa!
Maisen trong những lúc đen tối nhất cuộc đời, mò mẫm tìm hướng đi trong sa mạc Madian thì được Chúa cho thấy một cảm nghiệm: Ta là Đấng đang có mặt. Thấy được như vậy là một khúc quặt then chốt của cuộc đời Maisen. Ông đã trở lại với dân trong một sức mạnh mới, với con mắt sáng ngời, đầy nhiệt lực giải thoát.
Abraham bước đi theo tiếng gọi vào sa mạc cát mù mà không biết mình đi đâu. Ông chỉ chắc một điều, là Đấng Toàn Năng hằng hữu đang cùng đồng hành với mình và dẫn ông đi. Vậy mà ông đã sinh sản được một lớp dân của niềm tin phát triển như sao trên trời.
Cũng chính trong niềm tin ấy mà người lữ hành Nguyễn Văn Thuận khi làm giám mục đã lấy khẩu hiệu: vui mừng và hy vọng (Gaudium et Spes). Và vị tư tế này khi làm “ngục sĩ” trong cảnh lưu đầy Babylon thời mới ở chính quê hương mình, cũng đã gióng lên niềm tin tuyệt đối qua những chặng đường đen tối nhất của đời mình cũng như của dân tộc với “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”:
CHÚA CẤM CON THẤT VỌNG
“Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quị, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế”
“Cha Charles de Foucauld có để lại mấy giòng sau đây, đọc kỹ con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng:
Dù con xấu xa, dù con tội lỗi, con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng điều đó.
Dù con bội bạc cách mấy, khô khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy, Chúa cũng bắt buộc con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh thiện.
Chúa cấm con ngã lòng trước sự khốn nạn của con. Chúa không cho con nói: “Tôi không thể đi tới được, đường lên trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp”.
Trước những sa ngã trở đi trở lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói: “Tôi không hề sửa mình được, tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng…”
Vậy Chúa muốn con phải trông cậy luôn vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của Chúa.
Phải, khi con nhớ tới điều Chúa đã làm cho con, con tự nhiên bắt tin tưởng vào tình thương của Chúa. Mặc dù con cảm thấy con là đứa phản bội, bất xứng, con vẫn tin cậy ở tình thương ấy; con biết là Chúa luôn sẵn sàng để tiếp rước con như thể người cha của đứa con hoang đàng trong Phúc Âm, nhất là vì chính Chúa đã không ngớt gọi mời con và ban cho con những phương thế để đến dưới chân Chúa…” (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, trang 547-548)
NGÂN HÀNG TÌNH THƯƠNG
Niềm hy vọng này không phải như kiểu ngồi chờ sung rụng, mà là một cuộc dấn thân lên đường:
“Có hạng Công Giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng “Công Giáo thụ động”, “trốn tránh, vô trách nhiệm”. Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác” (Đường Hy Vọng #996)
“Chị Phanxica mang trong mình nhiều thứ bệnh: nhức đầu, đau tim, viêm ruột… Chị đã được lắm bác sĩ khám bệnh, giải phẫu, điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Và hầu như mọi người đều bó tay. Tuy thế chị vẫn không nản lòng. Chị sống Lời Chúa mỗi ngày, và có nhiều câu đã đánh động tâm trí chị cách mãnh liệt như: “Hãy sắm cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát, kho tàng không hao vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng và mọt không nhấm nát. Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó” (Luca 12: 33)
Hôm khác chị lại gặp một đoạn Lời Chúa đánh động: “Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống một bát nước lã mà thôi, vì danh nghĩa là môn đồ, thì quả thật, Ta bảo các con, nó sẽ không mất phần thưởng của nó” (Mt 10: 42)
Những lời Chúa Giêsu nói trên đã thấm thía vào tâm hồn chị, và chị nảy ra một sáng kiến: Thành lập “Ngân Hàng Tình Thương”, có mục đích đón nhận vốn của những ai muốn mở trương mục, gom góp những lời nguyện và những việc hy sinh trong bổn phận vì tình thương Chúa và các linh hồn. Số vốn ấy cùng với tình thương trên Thánh Giá sẽ sinh nhiều ơn ích cho vinh quang Chúa, cho cuộc cứu rỗi nhân loại và nhất là cho chính bản thân người mở trương mục.
…Có nhiều chị bạn đã hưởng ứng sáng kiến ấy, và như vết dầu loang ở trên tờ giấy, nhiều gia đình, nhiều thanh niên thiếu nữ, nhiều cộng đoàn đã vui vẻ mở trương mục. Mấy lâu nay họ nghĩ họ hết của, họ nghèo, không ngờ rằng thực sự họ là những kẻ rất giầu có, vì mỗi một giây họ đều có thể sống tràn đầy tình thương để bỏ vốn vào đại cuộc cứu rỗi nhân loại, để gởi đến những địa phương đang nóng bỏng trên thế giới… Họ cầm trương mục trên tay và tự nhủ: “Từ bé tới giờ tôi chẳng bỏ vào ngân hàng một xu! Hôm nay tôi mới bắt đầu…” Liền đó là một nụ cười âu yếm tươi nở trên môi: “ngân hàng dễ thương thật!” Đời sống thiêng liêng của họ đã vươn lên; bởi vì họ hiểu rõ ràng đây không phải là một “sổ kho”, nhưng là một sự cam kết trước, và rồi trong tuần tới phải làm hết mọi cách để hoàn thành kế hoạch, vượt mức chỉ tiêu. Đời sống họ luôn tiến bộ như mũi tên bay. Tâm hồn họ cũng sẽ mở rộng theo kích thước bao la của Hội Thánh và của thế giới. Họ sẽ cố gắng đáp ứng những chiến dịch bỏ vốn theo nhu cầu giáo phận, theo ý của Đức Giám Mục, hoặc cho một chuyến công du của Đức Thánh Cha được thành công.
Mỗi phút giây trong đời sống đều đáng giá ngàn vàng! Con đã tìm hiểu và mở trương mục chưa?” (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, trang 548-550)
NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG
Và đây là lời mở đầu của cuốn sách, thật ngắn gọn đơn sơ nhưng tóm lược tất cả cuộc hành trình cuộc đời của mỗi người hôm nay đang tìm đường “bước qua ngưỡng cửa hy vọng” chuyển mình vào thiên kỷ 3. Lời chia sẻ và cũng là lời chứng của một “ngục sĩ” viết từ trong ngục tối, và của một người lữ hành vẫn đang còn phải bước đi, nhưng bước đi trên đường tràn trề hy vọng:
“Con thân yêu,
Trên đường hy vọng,
Xưa nay có nhiều người lữ hành,
Thuộc mọi giai cấp, mọi lứa tuổi,
Đủ mọi mầu da, mọi thời đại.
Người đi trước con, người đi sát cánh con.
Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm,
Muôn nghìn nỗi gian truân thử thách;
Ức triệu lòng dũng cảm kiên cường.
Trước gieo trong nước mắt,
Sau gặt trong hân hoan.
Lắm lúc Cha chùn bước nản lòng,
Nhưng nhìn gương họ, nghe tiếng họ,
Tâm hồn Cha lại phấn khởi tươi vui,
Và cũng bước đi bên những bạn đường yêu quí.
….
Này người lữ khách hôm nay thân mến!
Nơi đây không cống hiến cho con,
Những lời khuyên lơn răn bảo,
Cũng không thay con suy ngắm.
Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống
Của các bậc Thánh và các người Thánh,
“Những người lữ hành trên đường hy vọng”
Họ có thật và họ sống thật!
…
Mong con hãy bình tâm suy niệm,
Để rút ra tia sáng,
Soi chiếu bước chân đi…”
Tác giả Lm. Trần Cao Tường
Không có nhận xét nào