Header Ads

Định hướng tương lai

Khởi nghiệp mà không có kiến thức như xây một tòa nhà cao tầng nhưng không có móng. Điều đó thực sự nguy hiểm

Khởi nghiệp như thế nào và làm sao để thành công trong sự nghiệp? Đó là những thắc mắc đã được các bạn trẻ đặt ra tại buổi hội thảo “Tập trung trí tuệ, khởi nghiệp thành công” trong "Ngày hội hướng nghiệp 2008" vừa qua do Vietnamskills.com và Cool Air đồng tổ chức.
Có mục tiêu rõ ràng

Ông Phạm Uyên Nguyên (quản lý Quỹ Đầu tư Hợp Việt) cho rằng có đến 70% sinh viên (SV) biết mình không thích cái gì nhưng lại không xác định được rõ ràng những gì mình thích. Thường thì các bạn trẻ khi chọn ngành nghề lại thiếu thông tin. Điều đó dẫn đến sự lựa chọn sai lầm của họ. Những trường hợp này khá phổ biến và nó đang trở thành một sự lãng phí trong đào tạo.

Sự tự định hướng phải dựa trên niềm đam mê và năng lực thực sự của mỗi người. “Khi tình yêu của ta đủ lớn thì mọi thứ còn lại chỉ là chuyện vặt vãnh. Hãy đưa ra kế hoạch, mục tiêu cho cuộc đời mình và phương pháp sẽ tự đến khi mục tiêu thật rõ ràng. Hiện nay, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội để thành công. Bạn hãy xác định mình thông qua những hoạt động thường ngày; qua thầy cô, bè bạn; qua sách báo và nhiều hoạt động cộng đồng khác” - ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Tập đoàn Trí Tri, đã chia sẻ với hơn 1.000 SV tại hội thảo.

Kiến thức là nền móng

SV Trung Hiếu (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) thắc mắc: “Đã xác định lầm ngành học, tôi muốn chuyển hướng. Do đó, tôi có nên tiếp tục việc học ở trường nữa không, hay phải đi làm để lấy kinh nghiệm?”. Đó không chỉ là câu hỏi của riêng Hiếu mà cũng là trăn trở của nhiều SV khác. Bà Hồ Thụy Nhàn Khanh, Giám đốc tuyển dụng Công ty Nestlé, nói: “Đã lựa chọn thì phải đi đến cùng, theo tôi các bạn hãy cứ học cho tốt”. Ông Phạm Uyên Nguyên nói thêm: “Dù cho bây giờ bạn có học trái ngành đi nữa thì hãy vẫn cứ tiếp tục vì việc học ở trường luôn cung cấp cho chúng ta phương pháp luận mà đó là điều quan trọng nhất cho sự thành công ở mỗi người”. Cùng quan điểm ấy, ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, chia sẻ: “Hãy đi đến tận cùng vì kiến thức là rất quan trọng. Khởi nghiệp mà không có kiến thức như xây một tòa nhà cao tầng nhưng không có móng. Điều đó thực sự nguy hiểm”.

Cần kỹ năng mềm

Tại buổi hội thảo, các SV cũng được tham gia trò chơi phỏng vấn trong vai trò ứng viên tìm việc. Cả ba nhà tuyển dụng là các doanh nhân đều tỏ thái độ chưa hài lòng với phần trả lời của SV. Các SV chưa tự tin và tiếng Anh chưa thật tốt. Ông Chris Harvey, Tổng Giám đốc VietnamWorks, đánh giá các ứng viên chưa thuyết phục được ông, chưa cho ông thấy được niềm đam mê công việc của họ. SV chưa biết cách thể hiện bằng những câu chuyện cụ thể để chứng tỏ rằng mình có kiến thức, có sáng kiến trong công việc, những câu trả lời còn quá chung chung...

Doanh nhân nổi tiếng thế giới Donald Trump từng nói khá nhiều SV mới ra trường khi đi phỏng vấn bị rớt bởi thiếu kỹ năng mềm, đó là một vấn đề rất đáng ngại. Ở vị trí là một nhà tuyển dụng, bà Hồ Thụy Nhàn Khanh chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn cần phải thể hiện phong thái tự tin của mình, thể hiện thái độ cam kết hợp tác của bạn với công ty trong khi bạn được phỏng vấn. Quan trọng nhất là bạn phải liên tục nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học và khả năng giao tiếp của mình”.

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.