ĐOẢN KHÚC 93:NHỮNG HÒN ĐÁ MỀM
Theo luật Maisen, người đàn bà này phải ném đã chết, còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (Jn. 8:2-11).
Sau khi bắt người đàn bà, họ đem đến hỏi Đức Kitô câu hỏi trên. Bài tường thuật cho biết họ hỏi như thế có ý gài bẫy Ngài. Như vậy, việc đưa người đàn bà này đến với Đức Kitô mang một màu sắc rất bi đát. Bà là nạn nhân của một âm mưu sâu độc rất đen tối. Người ta dùng người đàn bà để lấy cớ gài bẫy Đức Kitô.
Vì tìm cách gài bẫy Đức Kitô, nên ai dám quả quyết bà này không bị gài bẫy? Làm sao họ biết người đàn bà này phạm tội ngoại tình? Ai là người tòng phạm, sao không thấy nói tới? Vì để tìm cách gài bẫy Đức Kitô, nên rất có thể bà chỉ là cớ cho một âm mưu. Câu chuyện thật phức tạp.
Ba nhân vật chính được đề cập đến ở đây là người đàn bà, các biệt phái, và Đức Kitô. Không thấy nói đến người tòng phạm với bà.
Mấu chốt câu chuyện là làm sao “gài bẫy” được Đức Kitô. Một nhóm người Do Thái đã hằn học với Đức Kitô nhiều vấn đề. Họ tìm cách loại trừ Ngài từ lâu. Rất nhiều lần họ tìm cách gài bẫy Ngài bằng lề luật. Hôm nay cũng là một trong các lần đó.
Câu chuyện nổi bật là lúc nhóm người này đem bà ta tới trước mặt Đức Kitô thách thức: Ném đá hay không ?
Ta có thể hình dung một cuộc họp kín giữa họ với nhau. Vì là một âm mưu gài bẫy, bắt buộc họ phải bàn với nhau cung cách đặt câu hỏi. Kẻ góp ý này, người bàn cách kia. Trả lời cách nào Đức Kitô cũng rơi vào hố họ đặt ra. Những sáng kiến ác ý và nhẫn tâm. Một vùng trời dầy đen bóng đem hiểm độc.
Vấn đề là phải “gài bẫy” Đức Kitô.
Trong tấn bi hùng kịch này xảy ra một bất ngờ khó hiểu.
Không phải nhóm người Do Thái này ngỡ ngàng vì câu trả lời của Đức Kitô: “Ai trong các người vô tội hãy ném đá người này đi”. Điều đáng ta suy nghĩ là thái độ thay đổi những hòn đá cứng của nhóm người này.
Tại sao lại im lặng bỏ đi?
Dĩ nhiên là họ nhận thấy mình có tội. Sự nhận thức này đến từ đâu? Và từ nay về sau luật ném đá còn ứng dụng được nữa hay không? Họ im lặng bỏ đi, có đồng nghĩa là từ nay về sau nhóm người này không còn hăng say thi hành luật nữa không?
Ta không biết rõ vấn đề, sau khi Đức Kitô nói vậy, việc thi hành luật này thế nào. Nhưng với nhóm người này, trong ngôi làng nhỏ đó đã có sự thay đổi. Thay đổi thế nào, thành tâm suy nghĩ hay sẽ âm mưu tinh vi hơn. Ta không rõ. Cái thay đổi rõ là một mạng người đã không chết vì thái độ rút lui của họ.
Nhóm người này bỏ đi, không ai ném đá bà ta nữa. Nếu họ là những người như Philatô cứ theo luật thì nó phải chết, họ có thể ném đá người đàn bà này chứ. Họ cũng có thể bất chấp lời Đức Kitô, họ chỉ cần luật thi hành luật. Họ cũng có thể cứ ném đá để chứng tỏ mình trong sạch.
Vấn đề là họ rút lui.
Nhóm người này đang kình nghịch với Đức Kitô, thì có gì mà phải ngại ngùng vì câu nói đó của Đức Kitô? Cứ theo luật thì nó phải chết.
Vấn đề là họ rút lui.
Cái rút lui ở đây có phải vì không ai thấy mình sạch tội? Vấn đề nữa là tại sao một người rút lui rồi người khác cũng rút lui?
Họ rút lui vì nhận thấy mình có tội. Đây là sự sám hối hay chỉ là một sự nhục nhã? Đoạn văn không nói rõ. Họ rút lui vì biết mình có tội. Họ không dám ném đá người khác khi biết mình có tội. Tôi nghĩ then chốt của câu chuyện nằm ở chỗ này. Then chốt là họ chùng tay lại khi nghĩ đến tội của mình. Cho dù là vì nhục nhã mà rút lui, thì vấn đề vẫn còn đó. Vấn đề là họ rút lui chứ không ném đá.
Những hòn đá cứng giết người đã trở thành mềm.
Đoạn tường thuật nói cung cách của họ lúc ban đầu rất hung hãn. Họ tìm cách gài bẫy Ngài. Nhưng lại kết thúc lần lượt bỏ đi.
Vấn đề vẫn hệ tại là dù lý do nào đi nữa, sám hối biết tội mình hay bị nhục thì những hòn đá cứng kia cũng vẫn đã trở thành mềm. Vấn đề vẫn là họ rút lui. Vấn đề là một mạng người được cứu thoát.
Trong đời sống, cho dù một lý do nào đi nữa, siêu nhiên hay không siêu nhiên ta cũng phải dừng tay lại trước những hòn đá muốn ném người anh em. Phải vậy chăng?
Đọc Phúc Âm, có thể nhiều người không ưa thái độ của Pharisiêu. Nhưng hình ảnh họ im lặng bỏ đi hôm nay trở thành vấn đề. Những hòn đá cứng của họ đã không giết người. Tại sao xảy ra như vậy?
Người đàn bà đáng thương là chuyện đương nhiên.
Đức Kitô là ngôn sứ thì nhân từ cũng là chuyện đương nhiên.
Vấn đề là những người Biệt Phái kia sao lại bỏ đi?
Vấn đề thật nhức nhối, nhức nhối hơn nữa là nếu cạnh sắc của những hòn đá cứng đó, hôm nay, đang nằm trên chính tay mình. Ném hay rút lui?
Chất không Biệt Phái của nhiều người, hôm nay phải đặt vấn đề thế nào với chất Biệt Phái của người đã rút lui cho một mạng người được sống? Chất không Biệt Phái của nhiều người, đã làm họ nhiều lần khó chịu với thái độ Biệt Phái trong Thánh Kinh. Nhưng đoạn Tin Mừng này thật nhức nhối, chất Biệt Phái nào làm họ rút lui và một mạng người thoát chết?
Nếu hôm nay, hòn đá trên tay mình. Ném hay rút lui?
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Không có nhận xét nào