Header Ads

ĐOẢN KHÚC 92: TẤM BÁNH NHỎ


Chỉ là tấm bánh nhỏ thôi
Trong đó có bầu trời
Có biển khơi.
Chỉ là tấm bánh nhỏ
Chứa cả một chiều gió
Một vùng đồi núi bao la.
Là tấm bánh nhỏ
Mà ở đó có bài trường ca vũ trụ.
Mà ở đó có hoa xuân - nắng hạ
       đông tàn -  cuối nẻo hừng thu.
Chỉ là tấm bánh nhỏ
Sao quá đỗi bao la.
Tôi gặp ở đó nắng trên ngàn –
       về trở gió cho rừng thu thay lá.
Tôi gặp ở đó nghìn triệu bài ca –
       Gió đông về cho tuyết phủ trắng xoá thời gian.
Tôi gặp ở đó –
       từ hừng đông bình minh vũ trụ thành hình.
Tôi gặp ở đó những mùa xuân.
Ôi! Sao quá đỗi, quá xinh.
Tôi gặp ở đó những mùa hạ.
Ôi! sao quá đỗi, quá tình.
Chỉ là chiếc bánh nhỏ
Mà ở đó có một biển cả.
Có ngàn ngàn triệu triệu con sông –
       cứ muôn đời cứ mãi mãi thiết tha.
Chỉ là tấm bánh nhỏ
Mà ở đó
Muôn nghìn triệu những vì sao.
Những vì sao lấp lánh ở rất cao.
Đêm nay con ngồi trước nhà chầu Chúa
Trước mặt là tấm bánh nhỏ
Từ triệu năm của nghìn xưa thế giới
Từ triệu năm của nghìn sau diệu vợi
Vỏn vẹn trong lòng tấm bánh nhỏ
Tâm tư con làm sao hiểu thấu
Những nhiệm mầu
Những cao sâu
Tâm tư con làm sao hiểu thấu
Cuộc đời con sẽ xuôi tay về đâu
Tất cả vỏn vẹn trong lòng tấm bánh nhỏ
Ở đó
Trong hình hài tấm bánh nhỏ
Là Chúa
Là mầu nhiệm nhập thể Chúa xuống thế làm người
Con không ngồi trầm tư với chiếc bánh nhỏ
Ở đó
Con nói chuyện với cả sông dài từ nghìn xưa
Cựu Ước vọng lại
Con nghe chuyện tình sử cứu độ thập giá
       từ nghìn sau Tân Ước đi tới
Đêm nay thinh lặng mà sao quá đỗi chơi vơi
Chúa ơi,
Vắng vẻ mà sao bản hoà tấu quá đỗi thênh thang
Qúa đỗi mênh mang
Chỉ là tấm bánh nhỏ
Ôi! Lậy Chúa,
Làm sao con tin thật được Chúa đang ở đó?
Với con.
LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG CHÚA
Đây là câu hỏi khó chấm dứt vì bao giờ mới có câu trả lời trọn vẹn được. Chúa là vô biên, Chúa ở khắp nơi, Chúa là chủ thời gian, nên tiếng Chúa cũng sẽ mãi vang trong không gian, thời gian và mọi hoàn cảnh. Chúa nhắc nhở qua biến cố. Chúa nói qua lương tâm. Dáng Chúa trong mây trời, hình Chúa trong sắc hoa. Chúa ẩn bên dòng nước. Trong sa mạc. Trong lời dạy của Giáo Hội.
- Nhưng làm sao Cha biết có ơn gọi đi tu? Vì con cũng muốn biết con có ơn gọi đi tu hay không.
Khi bạn đặt những câu hỏi như thế, bạn rất chân thành. Đôi khi là khắc khoải của sự tìm kiếm. Nếu tôi tin là tôi “nghe” được tiếng Chúa gọi, tôi phải trả lời bạn. Nếu không, tôi nói sao về những điều mình xác tín.
Bạn thân mến, đã đôi ba lần tôi cố trả lời những thao thức của bạn:
- TÌM Ý CHÚA, đề tài này trong cuốn Mùa Chay và Con Sâu Bướm. Tôi đưa một vài nguyên tắc chuẩn bị cho việc lắng nghe.
- TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU, bài suy niệm cũng trong cuốn sách trên, tôi viết dưới hình thức thi ca, một kinh nghiệm thiêng liêng qua cầu nguyện, tĩnh tâm và dấu chỉ tiếng Chúa là sự bình an trong tâm hồn.
- ƠN GỌI, đoản khúc 76 trong cuốn này, bạn vừa đọc ở phần đầu tập sách. Tôi nói đến nhận định tiếng Chúa qua cầu nguyện, tin tưởng. Ơn thánh không cất nhắc khó khăn nhưng cho niềm xác tín.
- TẤM BÁNH NHỎ. Đoản khúc bạn đang đọc đây. Bây giờ là lần tứ tư. Tôi giữ im tiếng gọi này 27 năm qua. Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1979.
Sau câu chuyện trong TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU, tôi tin tưởng vào ơn gọi linh mục của mình. Tôi lấy lại được niềm xác tín.
Sự yếu đuối của con người là một trường ca. Bóng tối trên đường là một cánh đồng. Ngày nào còn hơi thở ta còn vấn đề. Nhưng rồi, tôi thấy đời luôn luôn thi vị. Tất cả cho dù xót xa, hay hạnh phúc, đều là niềm khám phá về cuộc sống. Có thể tôi chưa thấy những con đường thật là tăm tối chăng. Nên tôi chưa thấy những vết thương đau như nhiều người để tuyệt vọng nói rằng, xót xa của cuộc sống không có gì để khám phá.
Tôi đã viết ở đoản khúc ƠN GỌI rằng:
Khi bạn hỏi làm sao tôi biết Chúa gọi, là chuyện riêng tư. Tôi không biết trả lời bạn ra sao cho dễ dàng. Nếu trả lời theo ngôn ngữ những sách tu đức, thì tôi không chắc mình biết những điều mình học. Nếu trả lời bằng chuyện đời mình đã đi qua thì tôi lúng túng vì đó là chuyện riêng và không biết bắt đầu thế nào. Trả lời bằng những gì mình đã đi qua thì nó có những vụng về của nó, vì nó riêng tư, nhưng những gì mình đã đi qua thì mình biết rõ hơn.
Chúa nói bằng ngôn ngữ? Ngôn ngữ của Chúa nói với chúng ta rất riêng. “Người chăn chiên gọi tên từng con một mà đưa chúng ra ngoài” (Jn. 10:3).
Câu chuyện TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU, là một cuộc tĩnh tâm xảy ra ở Âu Châu. Xác định ơn gọi mình, rồi tôi qua Mỹ. Qua Mỹ, tôi lại phân vân về ơn gọi. Làm sao biết Chúa gọi? Nếu đấy chỉ là ý tưởng của mình thì sao?
Vào những ngày này, thập niên 1978-1980, Việt Nam đang đói, nhiều người phải ăn bo bo. Với bẩy đứa em còn lại với mẹ. Một người mẹ quê sống vào tiền  lương lính của chồng. Làm sao nuôi các con? Bố là “ngụy”. Trách nhiệm người con cả đã vượt biên ra đi? Nếu Chúa hiện ra nói rõ, tôi có ơn gọi đi tu. Tôi sẽ an tâm. Nhưng Chúa không hiện ra. Chúa nói qua tâm hồn. Mà tâm hồn mình, lấy gì làm bảo chứng? Vào tu, rồi vài năm Chúa không gọi, tôi không dang dở học hành sao?
Tại sao tôi không kiếm mảnh bằng kỹ sư? Nếu Chúa gọi, vừa là linh mục vừa là kỹ thông thái, không phải lý tưởng sao. Từng đêm suy nghĩ. Lý lẽ rất đúng. Cần một mảnh bằng. Thương mẹ bên kia biển, hết sóng gió nào mẹ đang trải qua. Có những hoàng hôn rất ảm đạm của người vợ lính sau chiến tranh. Có những ánh đèn nhà nguyện leo lét. Nhưng trước Thánh Thể Chúa trong nhà nguyện với ánh đèn ấy, tôi không bình an khi quyết định ra đi kiếm mảnh bằng.
Nếu Chúa gọi, trở lại tu đâu có sao? Con đường ấy chắc chắn hơn vì đã nắm trong tay một mảnh đời. Bây giờ theo tiếng gọi, có đúng không? Sóng gió nào đang xô dạt bên kia biển nơi quê mẹ và các em. Cuộc đời của bố. Một bóng chiều. Nếu Chúa không gọi thì sao? Liệu đời mình có dang dở?
Nhớ lại kinh nghiệm những ngày TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU. Chỉ còn con đường cuối là xin lòng thương xót Chúa nói rõ hơn.
Mùa hè năm 1979
Cả năm học, mong đến hè đi làm kiếm tiền gởi về giúp mẹ và các em. Về xứ đạo. Xin đi làm. Với student visa, không được phép. Bấy giờ tôi mới biết luật lệ xứ sở này. Bao nhiều trong mỗi mùa hè, tan nhẹ.
Tôi về một họ đạo vùng lúa mì Kansas. Một tiểu bang toàn cánh đồng, không sông ngòi, không núi đồi. Trời mùa hè, tám giờ tối đường đèn vẫn chưa lên. Một thứ ánh mặt trời chiều, cho dù mặt trời đã lặn sau những cánh đồng lúa mì, bầu trời vẫn sáng. Tiểu bang Kansas rất flat. Xứ đạo miền quê. Chỗ nào cũng là những con đường xuyên cánh đồng. Nếu đứng bên ruộng lúa, hương lúa mì vào ngày mùa sẽ thơm nức. Cánh đồng chạy dài mãi về phía bên kia. Rất thanh bình và êm ả. Nhưng tiếng lúa rì rào, những con đường làng kia chỉ thanh bình với người dân bản xứ. Nó có thể là nỗi rất chán cho những người biết đây không có ai là thân nhân của mình. Một vùng quê tỉnh lẻ.
Cha già Bill Vogel nay đã chết rồi.
Mùa hè năm học đầu tiên về xứ Mỹ. Cái gì cũng lạ. Không nói được sinh ngữ. Đó là những tháng ngày dài. Cha già nhờ tôi đưa Mình Thánh cho những người chưa phải vào nursing home, nhưng không đi lễ được. Chưa biết lái xe. Xứ đạo nhỏ. Chịu khó đi một vòng là xong hết. Mặt trời lặn. Nắng chiều hoàng hôn và những side walk. Tôi đem Mình Thánh Chúa, bước đi trên những side walk của buổi chiều hoàng hôn này.
Chính buổi chiều này mà tôi muốn trả lời bạn bằng những dòng sau đây.
Không biết tôi đi trên đường như thế đã được bao lâu. Lúc tôi đem hộp Mình Thánh trong túi áo ra nhìn, tôi không biết mình đã bước những bước chân vô hồn qua bao lối ngõ. Tôi đi qua phố. Qua nhà. Qua những con đường. Chỗ nào cũng không thấy niềm vui. Bây giờ, thỉnh thoảng gặp những người Việt mới qua, họ nhớ nhà. Thậm chí có người muốn quay về. Đấy là bây giờ chỗ nào cũng có cộng đoàn Việt Nam đông đảo. Huống hồ ba mươi năm trước, một mình tôi trong ngôi làng nhỏ ấy, một tỉnh lẻ miền quê xa xôi của Bắc Mỹ. Đối với người bản xứ, đó là một chiều thanh bình, con họ đong đưa bên chiếc ghế xích đu. Vườn cỏ xanh mướt. Quê làng tôi không như thế. Chỗ nào cũng là xình, cống rãnh. Ở đây vườn nhà sạch mướt. Hoa hồng rất to. Hàng rào trắng đẹp hơn biết bao lần chiếc cửa nhà tôi. Nhưng tôi không thấy đẹp.
- Sao cuộc đời có những bất công vậy Chúa?
- Tại sao có đất nước sinh ra may mắn, có quê hương đói khổ lầm than?
Chúa không trả lời.
Tôi mở chiếc hộp nhỏ. Bánh Thánh trong chiếc hộp chẳng có gì đặc biệt. Chỉ là tấm bánh nhỏ vô hồn. Tôi có thể búng nhẹ, chúng rơi xuống lề đường, không ai nhặt.
- Đây là Mình Thánh Chúa?
- Đây là Thiên Chúa?
- Có thật Thiên Chúa hiện diện trong tấm bánh này?
Những câu hỏi như thế quen rồi. Ai cũng trả lời được. Tôi có tin không? Tôi phải tin chứ: Tôi trả lời là tôi tin. Nhưng sao lời tin quá tầm thường. Tôi không có một cảm xúc băn khoăn. Nó là niềm tin tôi thuộc lòng như vậy. Làm sao có chuyện Thiên Chúa thật sự hiện diện ở đây? Nó mơ hồ. Thiên Chúa là ai?
Tôi đi qua phố. Qua nhà. Tôi nghĩ đến quê, không biết mẹ và các em ra sao. Tôi nhớ nhà. Tôi thương bố. Tôi thấy mình lang thang, đời sẽ đưa tôi về đâu.
Nhìn tấm Bánh Thánh, tôi cứ hỏi: “Có tin không?” Tôi đều trả lời: Tin. Nhưng linh cảm cho tôi biết có gì không ổn. Cho đến một lúc, tôi tự hỏi mình, hay Chúa hỏi tôi, tôi không rõ, nhưng khi câu hỏi đến từ chiều sâu:
                                      Do you REALLY believe?
Tôi thấy không dễ trả lời. Vì dường như sau tiếng THẬT SỰ tin không, sẽ có chuyện gì đó không lành xảy ra. Tôi lưỡng lự, thận trọng hơn. Nói là tin thì tôi tin. Nhưng THẬT SỰ tin? Tôi thấy như có chuyện không đơn giản.
Nếu thực sự tin, thì đây là AI?
Có phải Thiên Chúa thật không?
Nếu là Thiên Chúa thì sao?
Bầu trời tháng hè, như tôi đã nói, tám giờ tối vẫn có thể chơi banh. Trời sáng lắm. Nhưng vào giờ này không còn một bóng mây. Trời rất cao. Cái cao mênh mông ấy vừa làm cho trời bát ngát bao la, uy hùng, nhưng cũng đồng thời làm ta rơi vào vùng không gian xám rất nặng nề. Càng mênh mông, càng cao, thì vùng xám im lặng ấy càng làm ta chìm xuống trong cuộc đời. Tôi nhìn tấm bánh trên tay cứ hỏi mình:
- Có thật đây là Thiên Chúa không?
Không có câu trả lời rõ. Nếu là Thiên Chúa, thì bầu trời mênh mông vô cùng tận kia đang trong bàn tay tôi. Người là Thiên Chúa, là CREATOR. Tôi thấy lãng đãng một điều gì đó rất huyền bí.
Tôi không được phép đi làm hè. Tôi đang nghĩ đến vài trăm đô. Nếu tôi chỉ được một chân làm hè cũng đã vui rồi. Huống chi dám so sánh với những người bản xứ kia, kìa căn nhà của họ, kìa vườn cỏ xanh và đám hoa hồng. Họ giầu có quá. Tôi nhìn lên bầu trời. Có thật đây là CREATOR? Có thật đây là Thiên Chúa, Đấng dựng nên bầu trời kia?
Căn nhà kia là gì so với thành phố này? Thành phố này là gì so với New York? Nếu đem Tokyo, London, New York góp lại, sẽ có bao nhiêu tiền của, vàng bạc, châu báu? Thoáng qua là một con toán. Tôi lại nhìn lên bầu trời. Cao quá. Rộng quá. Tấm bánh trên tay tôi có thật là Thiên Chúa không ?
Nếu đem ba thành phố ấy so với trái đất này, nó có là chi. Trái đất này giầu có quá, bao nhiêu châu báu. Nhưng so với vũ trụ thì sao? Tôi lại nhìn bầu trời, quá đỗi mênh mông. Vô cùng tận. Nó đi về đâu cuối chân trời kia? Không gian là gì? Vũ trụ là gì? Ai là CREATOR?
- Có thật đây là ĐẤNG TẠO HOÁ?
- Do you REALLY believe?
Dường như tôi thấy hơi rộn người. Nếu THẬT SỰ tin, tôi trả lời làm sao vấn đề là NGƯỜI ĐÓ đang nằm im trong bàn tay tôi?
Tôi không dám trả lời ngay. Vì sau câu trả lời REALLY tin kia, một loạt thách thức sẽ ập đến và tôi sẽ phải đối diện. Tôi linh cảm một bàng hoàng không im lặng như tấm  bánh kia đâu. Im lặng của tấm bánh không là im lặng quê mùa. Một im lặng bùng vỡ không gì đỡ nổi. Tôi hỏi lòng tôi:
- Do you REALLY believe?
Tôi im lặng.
Lúc đó tôi hỏi lòng tôi bằng câu hỏi tiếng Anh này.
Tôi phải đem Mình Thánh cho những người già đang đợi tôi. Tôi cất chiếc hộp vào túi áo. Bước đi.
Tôi lại đi qua đường. Qua cổng. Qua nhà. Trong tôi bây giờ hỗn độn. Bừng bừng một loạt những thách thức về câu hỏi kia. Gió mùa hè Kansas, ai ở tiểu bang này thì biết, hừng hực cho dù vào ban đêm. Trời tối hơn. Những chiếc vòi tưới cỏ xịt nước ướt từng khúc đường side walk.
Lúc tôi vào nhà, ông ngồi trên xe lăn đã sẵn sàng nhận Mình Thánh. Bà cụ đứng bên xe, cạnh ông. Tôi không nói được tiếng Anh nhiều, không dễ dàng nói chuyện. Ông hiểu điều đó. Qua những ngập ngừng của tôi, ông bà biết một người ngoại quốc, họ cảm thông. Tôi biết ông bà muốn nói nhiều hơn. Căn nhà nhỏ, hai ông bà sống với nhau tuổi già. Tôi rất ngại khi phải nói. Họ đọc được ngại ngùng của tôi. Ông chỉ nói một câu ngắn. Nhưng bàn tay ông nói thay lời. Bàn tay một người già, gầy, hơi lạnh. Ông thấy tôi sắp từ giã, bàn tau già nua kia, cố cầm chặt tay tôi. Ông nhìn tôi thiết tha, rồi nói như với cả tấm lòng:
- We need you.
Tôi từ giã, bước ra cổng. Ba tiếng kia vọng lên. Ánh mắt và cái giữ tay rất chặt. Tôi hiểu ngay, Chúa cần có người mang Mình Thánh cho ông. Rất nhiều tâm hồn đang cần các bí tích. Không có tôi thì người khác. Nhưng câu chuyện ơn gọi kia. Câu chuyện linh mục. Tôi không  thể nói không có tôi thì người khác là linh mục cũng được. Nếu Chúa gọi tôi là linh mục thì sao? Ơn gọi là câu chuyện một con người chứ không là công việc của một con người.
Lúc về đến city hall, sắp qua con đường Broadway, tôi thấy người ta xếp hàng chờ vào xem ciné. Không ai trong hàng người kia biết tôi vừa kiệu Mình Thánh Chúa qua đường, qua nhà, qua phố. Tôi đã từng tham dự kiệu Mình Thánh ở nhà thờ, ở quê xưa. Nhưng chiều nay tôi đang kiệu Mình Thánh ngang qua cuộc đời. Kiệu Mình Thánh ở nhà thờ, có nến, có hoa, có trang trí kiệu, có nhiều thứ lắm. Còn tôi, chiều nay kiệu Mình Thánh chẳng ai biết. Trong số những người xếp hàng chờ ciné kia đâu ai biết tôi là ai. Họ không biết những gì đang xảy ra. Họ không biết Thiên Chúa đang trong túi áo tôi.
Làm sao tôi có  thể vì mấy trăm đô la, làm sao tôi có thể đi kiếm mảnh bằng mà phân vân với ơn gọi làm linh mục được. Là linh mục, khi cử hành thánh lễ, Thiên Chúa hiện diện trong bàn tay tôi. Hôm nay, người ta nói nhiều về nhân tính con người của linh mục. Họ không đề cao linh mục là Alter Christus nữa. Nhưng thật sự linh mục, ngoài nhân tính tội lỗi và yếu đuối kia. Ơn gọi linh mục vẫn là một huyền  nhiệm không trả lời được.
Ơn gọi linh mục vẫn là một chiều sâu ngoài tầm hiểu biết của con người.
Làm sao Thiên Chúa thực sự trong tấm bánh nhỏ qua thánh lễ linh mục cử hành? Một CREATOR của trời và đất, của vũ trụ.
Nếu hiểu được phần nào chiều kích này, linh mục không thể đánh mất được ơn gọi của mình. Nó quá cao cả. Không vì một lý do nào để mất ơn gọi này được. Họ phải bảo vệ với tất cả kinh nghiệm và niềm vui. Và họ không thể không khiêm nhường mà lo lắng vì làm sao Thiên Chúa lại cho họ ơn gọi như thế.
Trong căn phòng nhà xứ, một mình tôi về đến nhà. Tôi vừa đi kiệu Thánh Thể. Ơn gọi linh mục lại như hồng ân sáng lên trong cơn mù tăm tối của phân vân. Một cảm giác giống như ngày tôi ở tu viện Solei Mont bên Bỉ, với TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU. Tôi thấy yêu cuộc đời linh mục. Tôi ao ước Chúa gọi tôi vào ơn gọi này.
Bình an Cha ban không giống như bình an của con người. Chúa nói vậy với các môn đệ. Và Chúa còn nói thêm: Anh em đừng xao xuyến, đừng sợ. (Jn. 14:27). Điều này ảnh hưởng đến suy nghĩ và việc mục vụ của tôi sau này. Tôi hiểu là ơn thánh Chúa không cất nhắc hết khó khăn, nhưng Chúa cho ta niềm vui, bình an, tin tưởng, sức sống. Điều này không có gì lạ. Ta đã gặp thấy trong thơ thánh Phaolô. Ba lần thánh Phaolô xin Chúa cất nhắc những khó khăn, Chúa không cất nhắc (2 Cor. 12:7-8).
Bạn thân mến,
Làm sao nghe được tiếng Chúa?
Tôi trả lời bạn, câu trả lời có cách học hỏi tu đức trong bài TÌM Ý CHÚA. Khi bạn hỏi làm sao tôi biết mình có ơn gọi đi tu. Câu hỏi lại là riêng tư, tôi không thể trả lời bằng những gì tôi không đi qua. Bài suy niệm TIẾNG GỌI BÊN RỪNGTHU là như một trả lời riêng tư đó.
- Làm sao Cha biết mình có ơn gọi đi tu?
Người bạn trẻ thân mến,
Trong đoản khúc ƠN GỌI tôi trả lời thêm cho câu hỏi này. Năm nay, năm 2005 là năm Thánh Thể. Liên quan đến Thánh Thể và tiếng Chúa, tôi cố trả lời bạn thêm về tiếng gọi này. Như tôi đã nhiều lần quả quyết, Chúa ban bình an cho ai Chúa gọi. Chúa gọi riêng tư thì bạn cũng sẽ nghe được trong cách riêng tư của đời mình. Đời là những khám phá. Có gian nan nhưng cũng rất nhiều thi vị, bởi khám phá làm con người trở nên chính mình nhiều hơn.
Với mùa hè ở Kansas năm 1979 đó, tôi xác định ơn gọi linh mục của mình. Tôi hân hoan đi hết chương trình thần học của địa phận và sẵn sàng tin tưởng chờ thêm sáu  năm nữa tôi trả lời bạn ở đoản khúc ƠN GỌI phần đầu tập sách này. Tấm Bánh Nhỏ đã đưa tôi vào cách trả lời qua cảm nghiệm của thinh lặng hơn là âm thanh.
Lắng nghe tiếng gọi là một khám phá.
Và khám phá, thật sự làm con người trở nên chính mình nhiều hơn.
 Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.