Đề tài tiểu luận:Vận dụng những hiểu biết đã học, anh em hiểu thể nào về câu nói của ĐGH Phaolô VI: ‘‘tu sĩ là người tìm điều thế gian tránh và tránh điều thế gian tìm.’’
Đã
từ lâu con người luôn ý thức được rằng: đời tu luôn có ý nghĩa sâu xa
trong cuộc sống nhân loại. Đặc biệt hơn trong đời sống Ki-tô hữu, đời tu
giúp con người đến gần hơn với Đấng Sáng Tạo vũ trụ. Đời tu giúp con
người tìm đến chân lý sự sống đời đời, sự sống mà Thiên Chúa chuộc lại
cho chúng ta bởi giá máu Con Một Ngài, là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng
ta. Qua những biến cố cuộc sống, hoàn cảnh xã hội cũng như bối cảnh Giáo
Hội Chúa, đời tu luôn được nhìn nhận như là một thực tại mà qua đó con
người dễ nhận thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có lẽ vì cảm nghiệm được
sâu xa ý nghĩa đời sống tu trì qua những kinh nghiệm thiết thực của mình
đối với cuộc sống, nên Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã đúc kết lại ý nghĩa
đời sống tu sĩ qua câu nói rất thời sự: “tu sĩ là người tìm điều thế
gian tránh và tránh điều thế gian tìm”. Chúng ta thử cùng nhau khám phá
những ý nghĩa bên trong từ lời nhận định có vẻ như khá đơn sơ này.
Trước
hết ta tìm hiểu xem thế nào là một tu sĩ, và rồi từ ý nghĩa của đời
sống tu sĩ chúng ta khám phá những thực tại thế giới liên quan đến đời
sống tu sĩ, hay nói như ý của câu nói trên, ta tìm hiểu xem thế gian
đang tìm kiếm hay trốn tránh những điều gì, và ngược lại, phải chăng tu
sĩ là người không đi chung con đường mà thế gian đang tiến bước?
Cho
đếnh ôm nay, nói về đời tu chắc hẳn có cả một kho tang tài liệu từ
những nhân vật nổi danh cũng như những nhân vật ít nổi danh để lại,
chúng ta có thể tìm đến những nguồn tại liệu này bất cứ lúc nào nếu
chúng ta muốn học hiểu và khám phá về đời sống tu sĩ. Có nhiều cách nói,
cách diễn tả về đời sống tu sĩ. Người ta có thể dùng những dụ ngôn,
những câu chuyện hoặc các sự kiện thực tại cuộc sống, cũng như những
phim ảnh để diễn tả hay phác họa lên đời sống tu trì trong thế giới hôm
nay. Qua đó giúp con người có cái nhìn chân thực nhất về ý nghĩa đời tu.
Nhiều cách nói, nhiều cách diễn đạt, vậy chung quy lại người ta muốn
nói lên điều gì khi khai thác về vấn đề tu sĩ?
Có
người nói đi tu là từ bỏ hết mọi sự, không quan tâm gì đến các vấn đề
cuộc sống trần tại nữa, chỉ tụng kinh niệm phật mong đạt đến một thế
giới hảo huyền nào đó. Cũng có người nhìn nhận, đi tu là chấp nhận đi
vào những thực tại cuộc sống rồi từ những thực tại này tự mình khám phá
ra ý nghĩa cuộc đời. Với chúng ta, những người Ki-tô hữu thì hiểu chung
chung rằng, đi tu là dâng mình cho Chúa. Có lẽ như thế, đi tu là dâng
mình và mọi sự thuộc về thế gian này cho Chúa, vì tất cả là hồng ân Chúa
tặng ban cho con người. Dâng mình cho Chúa, tất nhiên không phải đem
thân xác mình đến trước bàn thờ Chúa mà nói với Ngài rằng này thân xác
con đây, xin kính dâng Ngài là xong mọi chuyện. Dâng mình cho Chúa là
chấp nhận hy sinh từ bỏ những ý riêng của mình để tìm ý Thiên Chúa.
Trước hết là ở lại trong vườn ươm của Thiên Chúa để khám phá về Tình Yêu
Mầu Nhiệm của Ngài, học hiểu và biết yêu như Ngài đã yêu thương chúng
ta “ hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Một khi nếm cảm được
thi vị từ Tình Yêu tuyệt vời này, chính là lúc đời tu đụng chạm được với
niềm hạnh phúc đích thực của sự sống, có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa
con người mới tìm được nguồn sống hạnh phúc đích thực. Ý thức được điều
này thì người ta mới dám từ bỏ, mới dám hy sinh những sự khác thuộc về
thế gian, chẳng hạn như tiền tài danh lợi, kiếp sống xa hoa hưởng thụ,
những đam mê dục tính…, để mong tìm đến được chân lý của sự sống con
người nơi Thiên Chúa. Khi đã xác tín niềm tin của mình như vậy, người ta
mới dám dấn thân đáp lại lời mời gọi “anh em hãy đi giảng dạy muôn dân”
(Mt 28,28). Rao giảng ở đây chính là mang Tình Yêu của Thiên Chúa đi
vào những thực tại của kiếp sống con người. Kiếp sống con người chính là
thế gian, vậy thì thế gian đang tìm kiếm điều gì? Và phải chăng tu sĩ
cần tránh những điều thế gian đang tìm kiếm, hay tìm những điều khác với
thế gian tìm?
Khó
có thể có câu trả lời chung, thỏa đáng và chính xác được là thế gian
đang tìm kiếm điều gì? Bởi vì thế gian không phải là một con người đồng
nhất, chỉ có một mục đích. Chúng ta có thể có nhiều hướng để trả lời cho
vấn đề này, tùy vào đối tượng và mục đích sống của họ. Nhưng nhìn
chung, chúng ta có thể nói được rằng, hầu hết mọi người đều muốn có được
cuộc sống ấm no hạnh phúc, có cuộc sống vật chất đủ đầy, và muốn tìm
thấy được niềm vui trong cuộc sống. Vậy những điều này lẽ nào là những
thứ không có ý nghĩa gì chăng, những mong ước chính đáng này không đem
lại giá trị sự sống sao? Thật khó hiểu và khó có thể chấp nhận được khi
nói rằng tu sĩ phải tránh tìm kiếm những điều này.
Mưu
cầu sự sống hạnh phúc là một điều chính đáng, là lẽ sống mà mọi người
luôn khuyến khích nhau tìm về. Không thể cản trở những bước chân tìm đến
nguồn sự sống này. Nhưng vấn đề là, người ta tìm đến với nó bằng cách
nào, người ta muốn có nó bằng phương tiện gì? Giả như ta gạt bỏ những
quyền lợi của người khác, không xem trọng giá trị nhân phẩm của anh em
mình, ta tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn gian ác để mong có được hạnh
phúc cho riêng mình, thì đây còn là niềm hạnh phúc nữa không? Tránh điều
thế gian tìm chính là tránh những điều này. Không những chỉ tu sĩ mà
mọi người cần phải loại trừ thái độ không tốt này ngay khi mới bắt đầu
hình thành trong tư tưởng. Thái độ bất chấp tất cả, không quan tâm đến
mọi người xung quanh, chỉ biết tìm đường tiến thân vì lợi ích cá nhân
mình thì chỉ dẫn đến bất hạnh thôi, bởi khi đó không còn ai vui với
mình, mình không biết chia sẽ niềm vui hay xóa tan những phiền muộn cùng
ai. Tiên vàn, chúng ta hãy suy niệm lời sự sống này trong lòng trước
khi có ý tưởng hay thái độ với người xung quanh mình “những gì anh em
muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy” (Mt
7,12).
Có
thể cách nhìn nhận các vấn đề cuộc sống, cách đối diện với các vấn nạn
xã hội của thế gian còn bị hạn chế bởi nhiều thứ, từ những hiện tượng tự
nhiên đến môi trường hoàn cảnh sống của mỗi người. Điều chính khiến
người ta có hướng nhìn lệch lạc và ích kỷ có lẽ vẫn là do lòng mình
thiếu tình yêu thương, mà người ta không thể biết yêu thương nhau chân
thành nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Tình
Yêu, chỉ có nơi Ngài người ta mới khám phá được đời sống tình yêu, chỉ
có trong Thiên Chúa người ta mới biết yêu thương nhau thành thật. Hơn ai
hết, đời sống anh chị em tu sĩ là đời sống minh chứng cho Tình Yêu của
Thiên Chúa, họ có điều kiện, có môi trường thuận lợi hơn để gặp gỡ Thiên
Chúa, qua các giờ kinh nguyện, giờ nguyện riêng tư, tham gia thánh lễ
thường xuyên hơn. Nhờ vậy họ mở rộng được tấm lòng mình hơn, họ biến đổi
được thái độ nhìn nhận các vấn đề dưới ánh sáng niềm tin. Họ gạt bỏ
được cái tôi ích kỷ, biết đón nhận mọi người bằng tấm lòng quảng đại bao
dung. Những điều này không hẳn là do họ mà có, nhưng do ân ban từ Thiên
Chúa nhờ đời sống hiệp thông cùng Thiên Chúa, chuyên cần cầu nguyện, ăn
chay hãm mình, sống tinh thần nghèo khó vì nước trời, giữ đức khiết
tĩnh và một mực trung thành, vâng lời bề trên, và tin rằng bề trên là
hiện thân của Chúa, là hình ảnh Chúa đang đồng hành trên con đường của
mình.
Vậy
thế gian, tu sĩ hay bất cứ đối tượng nào cũng muốn có được cuộc sống
hạnh phúc. Đó cũng chính là những mong ước chính đáng không có gì bàn
cãi. Điều cần tránh là không tìm kiếm hạnh phúc cho mình bằng cách gạt
bỏ hạnh phúc của những người xung quanh mình. Đời sống tu sĩ không còn
sống cho riêng mình nữa, mà sống cho mọi người, sống vì mọi người. Cũng
không phải sống cho những mục đích thuộc về sự sống đời này, họ sống
cùng, sống với thế gian, nhưng họ đã xác tín niềm tin, đặt niềm hy vọng
nơi Thiên Chúa về sự sống đời sau, sự sống vĩnh cửu trên nước Trời. Sống
cùng, sống với thể gian, có nghĩa là họ nhận sứ mạng làm cho mọi người
thấy được sự hiện hữu của Thiên Chúa, giúp thế gian cảm nhận được Tình
Yêu của Ngài “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm
này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35), nhờ họ mà mọi người
có thể tìm đến nguồn ơn phúc cứu độ dễ dàng hơn. Bởi ơn cứu độ của Thiên
Chúa không dành riêng cho một ai, mà dành cho toàn thể nhân loại.
Thế
gian còn nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa, nên đời sống của họ
đang có những mục đích khác nhau. Có người thì miệt mài trên con đường
học vấn để tìm công danh, người thì đêm ngày bận rộn với công việc mong
tìm được thật nhiều tiền của, những người tiền của dư đầy thì mong được
an thân nhàn phận, những người thiếu thốn tình cảm thì mong sao có được
một mái ấm gia đình thân yêu…, thế gian là vậy, đời là thế, người ta
luôn tìm kiếm và chẳng bao giờ thỏa mãn mình. Là công nhân thì mong mình
được là tổ phó, tổ trưởng ca, anh tổ trưởng thì mong mình sớm là trợ lý
giám đốc, rồi là giám đốc, ông giám đốc thì muốn mình sẽ là tổng giám
đốc, khi đã thỏa mãn công danh chức quyền thì họ tìm đến những thú vui
dục tính, tìm đến cuộc sống phù hoa xa xỉ, trang bị cho mình thành những
ông hoàng xe hơi, ông vua tiệc tùng hay những tay cá độ cừ khôi…, người
tu sĩ không tìm kiếm những điều này, bởi họ biết rằng khi đã dâng mình
và sống trọn những lời khấn hứa cùng Đức Chúa cũng chính là lúc biết tìm
kiếm những điều làm vinh quang danh Ngài,“phần tôi, tôi không tìm vinh
quang cho mình” (Ga 8,50). Sự sống đời này sẽ qua đi, không có gì người
ta có thể mang theo vào sự sống đời sau ngoài gia tài mà Đức Giê-su để
lại, đó chính là Tình Yêu “thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Tình yêu thương là mối dây ràng
buộc, là sự lien đới giữa sự sống con người với Thiên Chúa, cũng như là
sợi chỉ giúp người với người liên kết với nhau dệt thành những tấm thảm
xinh đẹp, diễn tả sự sống hạnh phúc, sự sống đầy ý nghĩa trong niềm tin
yêu đặt nơi Thiên Chúa. Song nói yêu thương thì dễ, nhưng để biết yêu và
diễn tả tình yêu thương bằng cuộc sống của chính mình thì không dễ chút
nào.
Người
ta hay nói rằng: “Đời là bể khổ”, cách nói vừa thể hiện sự thoái thác
chấp nhận sống với “bể khổ”, cũng vừa muốn diễn tả rằng con người luôn
muốn thoát khỏi “bể khổ”, thoát khỏi thế gian này, tìm đến một thế giới
khác, thế giới chỉ còn là yêu thương, niềm vui và hạnh phúc thôi. Như
thế phải chăng cuộc sống này không còn nhiều ý nghĩa nữa, chỉ toàn là
điều làm cho người ta cảm thấy thất vọng và khổ đau thôi? Sự dữ xảy ra
khắp nơi, nào là thiên tai hỏa hoạn, rồi chiến tranh loạn lạc, tranh
chấp, bất bình, bất công, hận thù ghen ghét…, thường thì không ai muốn
mình là người ích kỷ, sống vô ích giữa cuộc đời, không ai muốn tạo nên
sự chia rẽ hận thù. Nhưng có lẽ vì sợ hy sinh, sợ thân xác mình đau khổ,
sợ mệt nhọc, sợ tốn tiền của, sợ mất thời gian…, có lẽ phần lớn con
người luôn muốn tránh né những điều này, bởi nó không mang đến lợi nhuận
gì cho mình cả. Chính vì sợ, vì muốn trốn tránh những điều này, người
ta vô tình, hữu ý cũng có, tạo nên một cuộc sống đầy âu lo và hoài nghi.
Chúng ta thử nhìn vào một vài
việc thực tế thế này: để bắt đầu một công việc gì đó, người ta bắt đầu
thảo luận, bàn bạc đưa ra kế hoạch cụ thể, lúc thảo luận thì người nào
cũng hăng say đưa ra ý tưởng này, ý kiến nọ, muốn làm hoàn thành công
việc thật tốt đẹp. Nhưng đến lúc giao ban công việc cho từng người, có
lẽ ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn, lúc thực hiện công
việc thì thích đứng chỉ trỏ, bày vẽ, góp ý hơn là âm thầm tham gia vào
làm việc. Thêm một ví dụ nhỏ thế này nữa: có chừng năm bảy anh em sống
chung trong một ngôi nhà, chắc rằng ai cũng muốn nhà ở luôn sạch sẽ
thoáng mát, nhưng ít người tự nhiên muốn lau chùi quyét dọn cả, chỉ đến
phiên thứ phải làm thì làm vậy thôi, người nào bị làm hơn người khác vài
lần là thấy bất ổn trong lòng rồi. Con người là thế, sợ hy sinh, sợ mất
mát, sợ gian nan cùng cực, sợ thua thiệt…, có lẽ thế gian sẽ mãi mãi
muốn tránh né, sợ hãi những điều này nếu không có dịp đón nhận lời tin
mừng này: “anh em đừng tích trữ những kho tàng cho mình dưới đất, nơi
mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho
mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm
không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng anh em ở đâu thì lòng trí anh em ở
đó” ( Mt 6, 19-21). Nếu tu sĩ, hoặc bất cứ người nào biết tích trữ cho
mình kho tàng ở trên trời, chắc hẳn người ta sẽ không ngại gian nan lao
nhọc, người ta sẽ không sợ hy sinh khi dấn thân phục vụ, đối diện với
các vấn nạn xã hội, tiếp xúc với cuộc sống kiếp người ở trần gian để làm
cho cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Bởi họ biết rằng khi dấn thân
phục vụ, khi biết cho đi, khi biết chia sẽ đồng tâm cộng khổ cùng mọi
người, cũng chính là lúc họ đang làm cho kho tàng của mình trên trời
ngày một lớn thêm.
Qua
câu nói của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, có lẽ chúng ta còn thật nhiều
điều để khám phá, từ khía cạnh đời sống tu sĩ cũng như đời sống của mọi
người. những chia sẽ trên đây chắc hẳn chỉ là giọt nước hòa vào giữa
lòng đại dương. Hy vọng với sự thành tâm học hỏi, nguyện Chúa chúc phúc
để giọt nước đời con cũng dám ra khơi cùng sóng ngàn đại dương, ở đó con
khám phá và nhận thấy được rằng: sự bao la vô tận của vũ trũ cũng không
thể sánh bằng Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Đời sống con luôn là
chuỗi ngày kiếm tìm, xin chỉ cho con đường ngay nẻo chính dẫn đến nguồn
sống hạnh phúc trong Thánh Nhan Chúa. “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con
cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được
nghỉ ngơi bên Chúa” (thánh Augustine).
Thân ái
Antvolo.
you are invited to follow my blog
Trả lờiXóathank you
XóaI write and maintain a blog which I have entitled “Accordingtothebook” and I’d like to invite you to follow it.
Trả lờiXóathank you
Xóa