Khuôn Mặt Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh
Khuôn Mặt Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh
Hằng năm toàn thể Giáo Hội Công giáo trên hoàn cầu mừng lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Lễ mừng Chúa sống lại là lễ mừng mầu nhiệm căn bản của đức tin. Như Thánh Phaolô đã viết về điều này với lòng xác tín : "Nếu Chúa Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng" (1 cor 15.14).
Trong kinh Tín Kính chúng ta đọc có lời tuyên xưng : "ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh kinh".
Chúng ta tin trong tâm hồn và tuyên xưng ra bên ngoài bằng môi miệng điều mình tin. Điều này thật phải đạo cùng chính đáng cần thiết.
Nhưng làm thế nào có thể nhận ra khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô phục sinh ?
1. Trong gặp gỡ
Ngày nay với đà tiến triển về mọi lãnh vực trong đời sống, lý luận của lý trí càng được đề cao đưa đặt ra hàng đầu. Điều này đúng cùng cần thiết. Và trong lãnh vực đức tin, cách lý luận tìm hiểu của lý trí cũng được đem vào áp dụng để làm sao diễn tả cho đúng hợp không hoang đường, tìm hiểu phân tích cho rõ ràng mạch lạc.
Đức tin nằm trong lãnh vực tình yêu mến. Nhưng nếu chỉ dựa theo tiếng nói của trái tim, sẽ làm cho đức tin như thành mơ mộng. Lý luận của lý trí giúp đức tin đứng vững trên nền tảng hài hòa giữa một bên là rõ ràng trong sáng lành mạnh và một bên là tình yêu mến. Tin điều mình yêu mến, và hiểu biết điều mình yêu mến tin theo.
Với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh các Thánh Tông đồ đã không rao giảng bằng những chứng cớ lý luận khoa học chứng minh trong phòng thí nghiệm khảo cứu như ngày hôm nay. Nhưng các Ngài đã vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu phục sinh bằng kinh nghiệm sống gặp gỡ của chính các ngài với Chúa Giêsu Kitô phục sinh trong tâm tình lòng yêu mến ngưỡng mộ.
Kinh nghiệm đó không là những thêu dệt ảo ảnh bày vẽ ra trong tâm trí các Ông. Nhưng kinh nghiệm đó đặt trên nền tảng những gặp gỡ mắt thấy tai nghe, sờ mó đụng chạm, và đã làm thay đổi chính đời sống của họ. Các Ngài đã tận mắt nhìn Thấy Chúa sống lại hiện ra với họ, như Chúa Giêsu ngày trước ba năm đã cùng với họ dong duổi trên khắp nẻo đường đất nước Do Thái từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ nơi thành thị tới miền thôn quê, ở nhà tư cũng như nơi đền thờ, lúc đói mệt nhọc cũng như lúc no đủ có thời giờ nghỉ ngơi dưỡng sức, lúc nghe Chúa giảng dậy chỉ bảo cũng như lúc bị Ngài khiển trách...
1.1. Trên lời Thánh Vịnh 16.
Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã giúp tâm trí các Tông đồ bừng tỉnh thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của họ. Các Ông không thể nào hiểu nổi sự việc đã xảy ra. Vì với các Ông là con người, những nghĩ tưởng chết là hết, là chấm dứt. Thầy Giêsu đã chết. Đã chôn vùi trong lòng đất. Như thế là đã xong. Họ chỉ còn biết sống với nỗi đau buồn, đeo vành khăn tang nhớ về Thầy thôi! Nhưng lúc này đây, trước mặt, trước con mắt các Ông Thầy Giêsu sống lại từ cõi chết đang hiện diện đứng trước họ.
Thánh Luca đã lấy lời Thánh Vịnh 16. cắt nghĩa về sự sống lại của Chúa Giêsu như lời đoan hứa đã nói về Chúa Giêsu được cho sống lại : "Tôi luôn nhìn thấy Thiên Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát" (Cv 2,25-27).
Lời Kinh Thánh này diễn tả lòng xác tín: sự liên đới trong cộng đoàn xã hội tâm linh sâu thẳm với Thiên Chúa không thể bị sự chết phá hủy bẻ gẫy được.
Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa cùng là người được Thiên Chúa xức dầu phong vương, có mối liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa. Nên mối tương quan cộng đoàn xã hội tâm linh sâu thẳm này cũng không thể bị sự chết tàn phá hủy hoại .
Sự sống lại của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm hy vọng, trong sự chết chúng ta cũng không bị chia lìa ra khỏi cộng đoàn xã hội với Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã loan báo tin mừng cho chúng ta, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không đặt một điều kiện nào. Là con Thiên Chúa, chúng ta không bị chìm trong sự chết. Sự chết không có sức mạnh quyền uy nào trên chúng ta nữa. Sự chết mở ra cánh cửa bước vào đời sống cộng đoàn vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Với các Thánh Tông đồ Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là bảo chứng tình yêu mạnh hơn sự chết.
1.2. Trên con đường Emmaus
Thánh Luca còn kể lại khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô phục sinh không qua sự bàn giải chiết lý. Nhưng sự sống lại được nhận ra qua cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu phục sinh với các Thánh Tông đồ, như câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-35).
Giữa cuộc sống đầy thất vọng đau buồn, vì Thầy Giêsu đã chết, các Môn Sinh bơ vơ lo âu sợ hãi, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện đến cùng đi, cùng nói chuyện, và củng cố làm phấn khởi tinh thần hai môn đệ trên đường đi Emmaus.
Khuôn mặt Chúa Giêsu phục sinh là khuôn mặt niềm hy vọng cho con người trong ngay chính cơn thất vọng u buồn.
1.3. Trong dòng sông thả lưới
Thánh Gioan diễn tả kinh nghiệm nhận ra khuôn mặt Chúa Giêsu phục sinh qua cuộc gặp gỡ của các Tông đồ với Ngài trong đêm tối sau khi họ đã làm việc đánh cá mệt nhọc không mang lại một lợi nhuận kinh tế nào. Vì họ không đánh bắt được mẻ cá nào. Nhưng Chúa Giêsu hiện đến gặp gỡ họ, trò truyện với họ, và Người đề nghị họ nên kiên nhẫn thả lưới tiếp. Họ đã làm theo lời khuyên và đã bắt được nhiều cá(x. Ga 21, 1-14). Và ngay lúc đó họ đã nhận ra khuôn mặt Thầy Giêsu đã sống lại.
Khuôn mặt Chúa Kitô phục sinh là người làm thay đổi đêm đen tối mệt nhọc làm việc uổng công thành buổi sáng bình minh chan chứa sự sống mới và tình yêu.
2. Vị dẫn đầu đời sống mới
Chúa Giêsu Kitô phục sinh mang đến sự sống mới. Và như thế có thể nói, Ngài là người dẫn đầu sự sống mới này. Nhưng phải cắt nghĩa hiểu khuôn mặt Ngài như thế nào ?
Chúa Giêsu Kito chỗi dậy sống lại từ trong kẻ chết không có nghĩa là sự sống của Ngài được nối dài thêm ra sau khi chết. Sống lại từ cõi chết cũng không có nghĩa là vòng sự chết và sự trở lại vĩnh cửu nối tiếp nhau. Không, vòng luân hồi này bị bẻ gẫy. Thiên Chúa đã đặt sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là một khởi đầu mới. Công trình sáng tạo mới khởi đầu trong dấu hiệu hình ảnh sự sống.
Chúa Giêsu sống lại không dừng lại ở những trang hoàng hoa nến tươi thắm sáng lạn, hay những ca khúc mừng vui hoan hỷ...nhưng nhiều hơn nữa. Chúa sống lại mở đường dẫn đưa con người chúng ta ra khỏi đường cùng sự chết trầm luân bị luận phạt. Quyền năng sức mạnh của Thiên Chúa qua sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô đã biến đổi con đường sự chết thành con đường dẫn tới sự sống được cứu chuộc.
Các người phụ nữ sáng sớm ra thăm viếng mộ Chúa Giêsu (x. Mc 16,1-8; Ga 20,1-2), khi hay biết Chúa Giêsu Kitô đã sống lại không còn ở đây nữa, họ hoảng hốt không nói đuợc gì, hốt hoảng chạy ra khỏi nơi chốn nấm mồ. Đây là cao điểm của lòng vui mừng rộn rã trong chốc lát thôi.
Điều này cho hay, nơi nào Thiên Chúa trực tiếp có mặt, nơi đó con người như sống trong hoảng hốt xuất thần không còn biết nói gì được nữa.
Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô mang đến niềm vui mừng, nhưng đồng thời cũng gây ra sự hoảng hốt. Vì sự sống lại của Ngài vượt qúa tâm trí hiểu biết đầu óc suy tưởng của con người.
Và xưa nay trong Giáo Hội chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu với lời tuyên tín : "Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh" (Kinh Tin Kính)
3. Ý nghĩa ngày thứ ba
Ngày thứ ba đây không phải là ngày Thứ Ba theo lịch trong tuần. Nhưng đó là ngày tính theo thứ tự thời gian sau khi Chúa Giêsu chết trên thập gía ngày thứ Sáu, rồi được mai táng trong lòng đất, và sau đó Ngài đã sống lại ra khỏi ngôi mộ.
Lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội đặt nền tảng cơ sở trên lời Kinh Thánh như Thánh Phaolo viết làm chứng:„ Chúa Giêsu kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh (x. 1 Cor 15,4).
Tiên Tri Hosea thời kỳ trước Chúa Giáng sinh cũng đã có lời cầu nguyện ăn năn thống hối cùng nói về sự sống lại ngày thứ ba:"Nào chúng ta hãy trở về cùng Ðức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương.
"Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống ; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người" (Hosea 6,1-2).
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã có suy tư thần học về ý nghĩa ngày thứ ba người sống lại như lời Thánh kinh như sau: „ Tôi xin thêm vào: ngày thứ ba ở đây có liên quan mật thiết với cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Ngày thứ nhất của tuần lễ - là ngày thứ ba sau ngày thứ sáu Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía và chết trên đó – ngay từ thời Giáo Hội lúc ban đầu trong Kinh thánh Tân ước là ngày hội họp và dâng lễ tế tạ ơn Thiên Chúa của cộng đoàn tín hữu Chúa Kitô (x.x. 1 Cor 16,2;Cv20,7;Kh1,10). Theo Thánh Ignatio thành Antochia (vào cuối thế kỷ thứ 1., sang đầu thế kỷ thứ 2.)ngày Chúa nhật đã có từ lâu, và là một cung cách nếp sống mới của những người tín hữu Chúa Kitô trong đối chiếu với nền văn hóa ngày Sabat của người Do Thái: „ Có những người qua những tập tục cũ đạt tới niềm hy vọng mới và không còn giữ theo ngày Sabat, nhưng theo ngày Chúa nhật mà sống, trong ngày này mừng sự sống bừng lên nhờ qua Người và sự chết của Người... „ (x. As Magn.9,1).
Ngày Sabát là một ngày chiếm chỗ rất quan trọng của Cựu Ước, như trong trình thuật công trình sáng tạo và trong mười giới răn của Thiên Chúa đã viết để lại.... Với tôi, việc mừng ngày chủ nhật của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là một trong những chứng cứ mạnh nhất cho thấy, là đã có một cái gì phi thường xẩy ra – đó là biến cố khám phá ra mộ trống và gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh (Joseph Ratzinger, Benedckt XVI., JESUS von Nazareth II., Herder 2011, trang 283-284).
Ngôi mộ an táng Chúa Giêsu Kitô nằm trong một khu vườn. Chúa Giêsu sống lại ra khỏi ngôi mộ - ngôi mộ trở nên trống- trong khu vườn có cây cối sự sống phát triển xanh tốt. Hình ảnh này vẽ diễn tả người làm vườn đã sáng tạo khuôn mặt sự sống mới của Chúa Giêsu Kitô phục sinh.
4. Người làm vườn
Người làm vườn là hình ảnh đầu tiên diễn tả về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo khu vườn vũ trụ trời đất trong Kinh Thánh (x. St 1. - 2.).
Thiên Chúa sáng tạo làm ra khu vườn địa đàng có cây cối mọi giống loài. Và Ngài đặt để con người sống trong đó như quê hương ngôi nhà của họ. Tất cả xảy ra trong sự hài hòa hợp với ý định của Thiên Chúa.
Nếu ngôi mộ chôn Chúa Giêsu, người đã sống lại từ cõi chết, như trong Kinh Thánh thuật lại, ở trong một khu vườn, thì khu vườn này là dấu hiệu chỉ về một thiên đàng mới, một sáng tạo mới, trong đó Thiên Chúa đã qua phép lạ mầu nhiệm sáng tạo nên sự sống mới.
Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết trong khu vườn, cho con người một nơi chốn quê hương ẩn náu nương thân trong khu vườn, nơi là thửa đất luôn có sức sống tiềm tàng ẩn chứa cho mọi loài thảo mộc cây cỏ.
Đi thăm viếng những nghĩa trang đất thánh, nơi an táng những người đã qua đời, ta như đi vào một khu vườn có đủ mọi loài cây cỏ bông hoa xanh tốt lớn bé. Hình ảnh đầy sức sống tỏa rợp bóng tươi mát này nhắc nhớ đến đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh, người đã sống lại từ cõi chết ngay trong khu vườn chôn mai táng người trước đó ba ngày.
Những khu vườn ở các nghĩa trang luôn truyền đi tín hiệu về sứ điệp sự sống: Thiên Chúa, người làm vườn, hoàn tất công trình sáng tạo sống lại nơi con người, mà Ngài đã khởi đầu ngày họ nhận lãnh làn nước Bí Tích Rửa Tội.
Thiên Chúa, người làm vườn từ thuở ban đầu sáng tạo vũ trụ, đã làm nên khu vườn sự sống cho mọi loài, giờ đây Ngài thực hiện một sáng tạo mới cũng ở nơi khu vườn. Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là khởi đầu sự trở về khu vườn thiên đàng cho con người.
********************
Khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô sống lại không là khuôn mặt Chúa Giêsu sống trở lại đời sống sinh vật học trên trần gian có thân xác cơ quan bộ phận thân thể, rồi sau đó ngày nào lại chết như định luật trong thiên nhiên. Cũng càng không phải Chúa Giêsu Kitô sống lại là một bóng ma vẫn hằng lởn vởn ẩn hiện trong thế giới người sống ở trần gian (x. Joseph Ratzinger, Benedckt XVI., JESUS von Nazareth II., Herder 2011,tr. 298).
Nhưng khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô phục sinh là khuôn mặt của Đấng Cứu Thế mang đến niềm hy vọng cho sự sống đã mất được có trở lại, vì tội lỗi của Adong Evà ngày xưa đã làm mất tiêu tan.
Chúa Giêsu phục sinh là tin mừng giúp con người mở đôi mắt tâm hồn nhận ra ý nghĩa đời sống, một đời sống chân thật có niềm vui, niềm hy vọng phát khởi từ trong tâm hồn.
Ngày xưa các Thánh Tông Đồ, hai Môn Đệ trên đưòng Emmaus, các người Phụ Nữ đã nhìn tận mắt khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô phục sinh, và họ đã nhận được những cảm nghiệm và kinh nghiệm sức sống tràn đầy niềm hy vọng vươn lên cho đời sống tâm hồn.
Ngày nay, chúng ta những người tin theo yêu mến Chúa Giêsu Kitô, không nhìn tận mắt khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Nhưng chúng ta cũng luôn có kinh nghiệm sống cảm nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những biến cố thăng trầm của đời sống, nhất là những khi chúng ta vướng mắc vào ngõ bí đường cùng cơn thất vọng, bóng đêm tăm tối không nhìn thấy đường đi, sự âu lo sầu buồn đau khổ...
Trong những trạng huống như vậy, bỗng chốc một tia sáng lóe lên trong tâm trí làm ta bừng tỉnh sống lại.
Phải chăng tia ánh sáng bừng lên sức sống niềm hy vọng đó không phải là khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Đấng là sự sống, con đường và sự chân thật cho con người, sao ?
Mừng lễ Chúa Giêsu Phục sinh 2012 – Năm Đức tin.
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
cảm ơn những bài viết của bạn.
Trả lờiXóakhông có gì
Xóa