Header Ads

Tiếng chuông và tình yêu trong “Chuông ngọ” của Nguyễn Bính

Niềm tin - Tranh: Lê Hiếu
Đời sống tôn giáo, đặc biệt là màu sắc của đạo Công giáo, đã từng bước thấm đẫm vào trong văn hóa người Việt. Tôn giáo cũng đã đi vào thế giới của thơ ca, của âm nhạc, đặc biệt là thơ hiện đại. Nguyễn Bính, nhà thơ của tình yêu, của hồn Việt cũng có một bài thơ đầy âm hưởng Kitô giáo, đó là bài thơ “Chuông ngọ”.
Lạy Chúa con xin Chúa một giờ
Mười hai giờ ngọ của tình xưa
Chúng con hai đứa Uyên và Bính
Thường hẹn hò nhau mỗi buổi trưa.
Khi bóng cây xanh trước ngõ tròn
Là giờ hắn sẽ nhớ thương con
Con nhìn ảnh Chúa rồi con khóc
Trăm thảm nghìn thương mắt mỏi mòn
Chuông ngọ, từng hồi chuông ngọ đổ
Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.
Con nghe chuông đổ rồi con khóc,
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!
Cái hôm hắn bước lên xe cưới.
Khóc lả người đi Chúa biết không?
Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo
Vẫn biết và tin có “Chúa lòng”!
Chuông ngọ – chuông Truyền tin đổ lúc mười hai giờ trưa ở các nhà thờ Công giáo đã trở nên thân thuộc với hàng triệu giáo dân cũng như lương dân Việt Nam. Tiếng chuông ấy gợi nhớ đến giờ phút vô cùng trọng đại trong lịch sử cứu độ: Ngôi Lời chấp nhận mặc lấy thân phận con người trong lòng Mẹ Maria. Những ngày thanh bình buổi xa xưa ở Việt Nam cũng như ở Âu Châu vào đúng lúc 12 giờ trưa, khi từ những ngôi tháp nhà thờ đổ chuông Truyền Tin thì các tín hữu đều ngưng mọi công việc và cùng nguyện kinh Truyền Tin. Tiếng chuông ấy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người với nỗi nhớ về quê hương, về gia đình. Với Nguyễn Bính, tiếng chuông ấy gợi nhắc một kỷ niệm tình yêu:
Chúng con hai đứa Uyên và Bính
Thường hẹn hò nhau mỗi buổi trưa.
“Hai đứa” yêu nhau hẹn nhau mỗi buổi trưa (chứ không phải là mỗi buổi tối như lệ thường của bao đôi tình nhân khác). Có lẽ nào vì cả hai cùng đều say mê tiếng chuông ấy, say mê cái không gian yên ả nơi làng quê mỗi buổi trưa? Hai tâm hồn yêu tha thiết, đồng vọng với nhau ở mọi khía cạnh cuộc sống. Và như thế tiếng chuông trưa đã trở thành đồng hồ, dấu hiệu thời gian của đôi lứa. Dễ nhận ra rằng đây là một tình yêu trong sáng, ban sơ của tuổi trẻ. Tình yêu ra đi, để rồi mỗi khi tiếng chuông ấy ngân lên, là một lần chàng trai “si tình” khắc khoải cầu khẩn Chúa cho được sống lại thêm một lần nữa “mười hai giờ ngọ của tình xưa”. Cái giờ khắc kỉ niệm ấy không chỉ là sự gợi nhớ đối với chàng trai trẻ mà còn là nỗi khắc khoải, thổn thức của cô gái:
Khi bóng cây xanh trước ngõ tròn
Là giờ em sẽ nhớ thương con
Hơn ai hết, người con trai ấy hiểu thấu tình yêu của cô gái đối với mình. Với người con trai, nỗi đau tình yêu tan vỡ như là cộng hưởng với nỗi đau của Chúa Giêsu khi chịu treo trên thập giá: “Khi ấy là giờ ngọ, mà cả và trời đất liền tối tăm mù mịt, mặt trời xem chẳng đang, Chúa sinh nên muôn vật chịu nạn cùng chịu xấu hổ dường ấy” (Lời kinh ngắm nguyện mùa thương khó). Bởi vậy, khi nhìn ảnh tượng Chúa, chàng trai khóc:
Con nhìn ảnh Chúa rồi con khóc
Trăm thảm nghìn thương mắt mỏi mòn
Chàng trai khóc cho nỗi đau của Chúa, khóc cho chính chàng hay chàng khóc cho cả hai? Và ánh mắt ấy là ánh mắt mỏi mòn chờ đợi sự sám hối của nhân loại, ánh mắt của Đức Giêsu kiếm tìm môn đệ hay ánh mắt trông chờ tình yêu của tác giả? Ánh mắt ấy dù là của ai thì cũng là ánh mắt cô đơn, khắc khoải, khao khát tình yêu.
Chuông ngọ, từng hồi chuông ngọ đổ
Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.
Chỉ trong hai dòng thơ mà đã có đến ba từ “chông ngọ” và lặp lại “từng hồi chuông ngọ đổ”. Tiếng thơ như là tiếng nhẩm tính thời gian của một kẻ thẩn thơ nhớ, thẩn thờ yêu. Có lẽ chính tâm hồn nhà thơ cũng “chơi vơi” như tiếng chuông buông lơi giữa không trung vậy. Câu thơ tiếp theo lại là sự lặp lại cấu trúc của câu thơ khổ trước: Con nghe chuông đổ rồi con khóc/ Con nhìn ảnh Chúa rồi con khóc. Sự lặp lại tạo sự trùng điệp, nhạc điệu cho thơ nhưng đồng thời nó cũng thể hiện cái chập chùng trong tâm hồn nhà thơ. Ám ảnh về tiếng chuông và khoảnh khắc ban trưa được ghi dấu trong sự lặp lại những từ ngữ, hình ảnh rất đậm nét trong câu thơ:
Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo
Vẫn biết và tin có “Chúa lòng”!
“Chúa lòng”, nhà thơ đặt trong ngoặc kép hẳn là có dụng ý? Người đọc có thể hiểu và lý giải nó theo những cách khác nhau. “Chúa lòng” là Thiên Chúa của cõi lòng, nghĩa này là niềm tin của người ngoan đạo; còn xét về nghĩa phái sinh thì nó có thể nói đến vị chúa của cõi lòng người đang yêu. “Chúa lòng” của chàng trai này là Thiên Chúa hay là cô gái mang tên Uyên ấy? Câu thơ thể hiện tình yêu sâu sắc, thâm trầm của nhân vật trữ tình: tình yêu trần thế gắn niềm tin tâm linh.
Ta vẫn thường gặp trong âm nhạc và thơ ca những tình yêu gắn với đời sống tâm linh người Công giáo như Hai mùa NoelBài thánh ca buồn của Nguyên Vũ, Em hiền như ma soeur của Nguyễn Tất Nhiên… Ở đây, tình yêu của Nguyễn Bính giống như một “giấc mơ trưa” ngọt ngào nhưng cũng đắng cay. Với tiếng “Chuông ngọ”, Nguyễn Bính đã thiêng liêng hóa, tâm linh hóa tình yêu của mình khiến cho nó vừa đau khổ nhưng lại rất cao thượng. Không có gì đẹp và buồn như tình yêu!
Hồng Xoan

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.