ĐOẢN KHÚC 89: HẠT GẠO VÀ TẤM BÁNH
Không nói những ngày lầm lũi lên rừng phá rẫy. Không nói những ngày cả lũ con cuốc đất phát gai. Không nói những ngày ấy, chỉ nói từ khi hạt lúa gieo xuống cũng đủ thấy người nông phu vất vả thế nào. Lo âu trời hanh nằng chết lúa, lo âu giông bão đến. Bao nhiêu là thứ lo mới có hạt lúa cho sự sống.
Làm mãi mới thành ruộng. Lên vùng kinh tế mới là những người nghèo. Những người nghèo quý từng hạt lúa, quý từng củ khoai. Họ là những người chân lấm tay bùn với sự sống.
Câu chuyện hạt lúa và người nông phu.
Lúc sắp chia tay, hạt lúa bùi ngùi nhìn những bàn tay thân yêu săn sóc mình rồi nó ứa lệ nói lời vĩnh biệt. Lúc chín mùa, bác nông phu chả mấy ngày mà không quanh quẩn bên ruộng lúa. Lúc mà mầu vàng ươm lên thật ươm, những nhánh lúa thấy bác nông phu hân hoan vui ra mặt. “Thế nào năm nay cũng được mùa”. Chả mấy lúc mà bác không nói một mình như vậy. Nhưng hạt lúa trĩu nặng trên nhánh lúa già nhìn bác thấy thật tội nghiệp. Chúng hứa với nhay là sẽ tặng bác một mùa lúa hạnh phúc, đó là những bữa cơm ngon.
Những giấc mơ đẹp thường không xảy đến với những người nghèo.
Những hạt lúa của người nghèo cũng thế, giấc mơ của chúng chả mấy khi lành lặn.
Giữa lúc những hạt lúa muốn biến đời chúng thành chén cơm tặng gia đình bác thì câu chuyện xảy đến, nên giấc mơ kia không thành…
Câu chuyện xảy đến thế này:
Bác nống phu gánh lúa về, đập, quạt, phơi khô rồi đóng bao. Nhưng hạt lúa vui thật vui là đã thoát bao nhiêu hiểm nguy mưa gió để có ngày về tới sân nhà bác. Chúng không còn sợ sâu đồng phá hoại, không còn sợ nắng mưa làm khô héo. Một thời gian thật dài lo lắng đã đi quá mới có ngày hôm nay. Chúng đang chờ một buổi chiều nào đó cả gia đình quây quần bên mâm cơm, những hạt lúa ấy chuyển mình thành hạt cơm thật thơm, thật ngon, trả ơn cho những ngày họ vất vả săn sóc chúng. Chúng là sự sống của họ. Không có những hạt cơm, người ta đói, người ta khổ lắm.
Tâm tư hạt thóc nói với bác nông phu:
- Tôi đã được về đây với cả mùa lúa của chúng tôi. Chúc mừng bác đã có một mùa gặt thật hân hoan. Chúng tôi sẽ biến hình thành những hạt cơm dâng bác sự sống. Bác đã quý chúng tôi. Chúng tôi thương bác. Những lúc trời mang giông bão, chúng tôi thấy cả gia đình bác âu sầu, lo lắng, chúng tôi đồng lòng nhất trí ráng sức mà chống chọi. Vặn vẹo thân mình đau đớn, chúng tôi nâng đỡ tinh thần cho nhau mà can đảm chịu đựng. Ôi, bác ơi, ghê nhất là đám sâu lúa, chúng rúc rỉa vào thân cắn cho chúng tôi gẫy đổ. Chúng tôi xót xa vô cùng. Chúng tôi hết sức mà phấn đấu.
Lời bác nông phu:
- Tôi vô cùng cám ơn Đất Trời đã cho chúng tôi mùa lúa này. Gia đình tôi nghèo, không có mùa gặt, chúng tôi khổ lắm. Những người giàu thì chả nói làm gì. Gạo thóc là chuyện thường tình, không có họ cũng chả lo. Gia đình tôi mà không có hạt cơm thì con cái nheo nhóc. Chúng tôi chỉ có giấc mơ nhỏ thôi là có hạt cơm mà ăn. Cha mẹ chúng tôi cũng nghèo. Đến lượt chúng tôi cũng thế. Chúng tôi quý lắm, chả dám để rơi những hạt cơm thừa bỏ đi.
Giữa lúc những hạt cơm đang sung sướng chờ ngày trả ơn người nông phu thì câu chuyện xảy đến, thế là giấc mơ kia không thành…
Câu chuyện gian truân bắt đầu.
Người khách hàng cân xong đống thóc, móc tiền trả. Những bao thóc nặng nghiêng vai bác nông phu lần lượt chất lên xe. Chiếc xe lam cũ kỹ phật máy nổ ầm ầm, lắc lư chuyển bánh. Khói đen xịt bẩn cổng ngõ nhà bác. Cả bụi hoa giành giành đang vô tư bong nắng cũng vất vướng khốn khổ. Hương lộ của ngôi làng nhỏ bụi bay mù mịt. Chiếc xe gục gặc bỏ lại bác nông phu đứng nhìn, mang theo những bao thóc ra đi. Những hạt thóc bàng hoàng, ứa lệ nói lời vĩnh biệt chia ly không ngờ.
Đi một ngày dài, rồi xe cũng tới nơi chốn chúng phải tới. Họ chuyền những bao thóc vào kho. Trong kho chứa hàng, tối thăm thẳm, những bao thóc lạ lẫm gặp nhau. Bây giờ chúng không còn hương trời thong thả của sân nắng phơi lúa nữa. Không còn bầu trời trong xanh và ngõ trúc với lũ gà con dáo dác chạy quanh. Có những bao thóc nằm nghiêm ngả trên chuyến xe hàng mấy ngày trời mới về tới đây. Có những bao thóc nằm đó lâu rồi. Tất cả cùng chung một số phận. Im lìm chờ đợi, không biết tương lai đi về đâu.
Trong cái âm u xa lạ, chúng dần biết nhau, khám phá ra những chân trời phiêu bạt của nhau. Trong đó có cả những tâm tình mà hạt thóc nào cũng giống nhau, đó là liên hệ giữa chúng và những người nông phu nghèo đã cấy trồng ra chúng. Từ những câu chuyện của những hạt thóc, người ta nghe được:
- Thế chị từ đâu đến đây?
- Tôi ở xa lắm, mãi miền trung đất đá.
- Ở đấy năm nay thế nào?
- Gian khổ lắm chị ơi, năm nay trời hạn hán. Hiu hắt. Cảnh vật tiêu điều. Chúng tôi sống sót được đến hôm nay là trải qua những tháng ngày khốn khổ. Trời nắng thế mà ông chủ chúng tôi đi vét từng gầu nước giữ cho chúng tôi sống. Chúng tôi xơ xác trong cái nghèo của một cánh đồng miền quê. Chúng tôi thương ông chủ như thương chính đời mình. Chúng tôi cho nhau sự sống. Sự sống của những nhánh lúa chúng tôi cũng là sự sống của ông chủ. Có những buổi chiều chúng tôi nghe ông chủ ngồi bên bờ đê lo âu : “Lạy Trời, xin thương chúng con. Trời cảnh năm nay cơ cực quá. Mùa màng mất hết chúng con lấy gì sống. Có khi năm nay chúng con lại đói mất thôi”.
Những hạt thóc thăm hỏi nhau. Hạt thóc nào cũng có những câu chuyện đời mình. Xuôi ngược từ vùng đất này, đất nọ, bây giờ người ta gom chúng về kho chứa hàng này. Hạt thóc nào trong tâm tư cũng nhớ người đã cấy trồng ra chúng. Tiếp câu chuyện của những hạt thóc, chúng lại hỏi thăm nhau:
- Thế còn chị thì sao?
- Chúng tôi về đến sân nhà ông chủ vào đầu tháng hạ. Cả ngõ quê thơm mùi rạ mới. Những hạt lúa đầu mùa được xay ra. Những hạt gạo trắng ngần chúng tôi chuyển mình thành hạt cơm. Bữa cơm chiều hôm đó ai cũng hân hoan. Nồi cơm bốc hương gạo thơm. Chúng tôi vui mừng đã trả ơn cho những tháng ngày ông chủ vất vả. Tôi đang chờ sắp đến phiên tôi được đổ vào cối xay thì có người đến mua chúng tôi. Họ đóng bao rồi chở chúng tôi đến đây. Chúng tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chúng tôi ở đây lâu rồi. Không ai đến thăm hỏi chúng tôi. Không biết ông chủ chúng tôi bây giờ ra sao. Chắc là ông thương tiếc chúng tôi lắm. Gia đình ông bây giờ thế nào, chúng tôi không biết. Phần chúng tôi, chúng tôi đang băn khoăn chờ một định mệnh mới sắp xảy đến cho chúng tôi.
Rồi cái ngày định mệnh mới ấy đã đến.
Ầm ầm tiếng động cơ chuyển mình náo động kho hàng. Những sợi xích sắt siết vào nhau ghê rợn. Những bao thóc hoang mang hỏi nhau bây giờ chúng bị phân tán đi đâu. Linh cảm cho chúng thấy một chuyến đi mang nhiều ly biệt đau đớn. Khi những dây cáp cột chúng thành từng khối lớn đem ra bờ sông thì chúng biết đây là chuyến đi mang nhiều đớn đau. Chúng không còn được ở bên nhau mà nói chuyện về quê hương của chúng, về những bàn chân lấm tay bùn đã cấy trồng ra chúng. Từ bến tầu ấy, chúng rời bỏ quê hương.
Ở nơi này khác xa với quê hương chúng. Tất cả khối thóc bị đổ xô vào một guồng máy khổng lồ. Chúng bị cuốn hút rối loạn vào nhau. Ào ào. Ầm ầm. Như một dòng sông thăm thẳm nuốt trọn chúng vào một vực tối mênh mông. Tất cả với tốc độ khủng khiếp. Những dòng điện cực mạnh lao vào nhau xé toang lớp vỏ trấu, chúng biến hình thành những hạt gạo trắng như một kẻ bị trấn lột nhanh với tốc độ quay cuồng không biết mình là ai.
Chung quanh chúng là những công nhân vô hồn, những nhân viên kiểm soát lạnh lùng. Chúng bị phân chia đồng đều, cân nhắc cẩn thật đóng vào bao. Những chiếc bao lạnh như mộ bia, cái nào cũng giống nhau không còn dấu vết tình cảm riêng tư. Những chiếc bao rất lạ không như những chiếc bao ở quê hương chúng. Ở quê hương chúng, những chiếc bao truyền nối lại từ bố mẹ đến con cái, bác nông phu săn sóc, chỗ nào rách bác khâu vá, chúng đậm nét tình người. Ở đây, bao nào cũng giống nhau, sực mùi ẩm của kho chứa hàng và chất hoá học.
Bị đóng vào bao rồi chúng mới tức tưởi khám phá ra chính mình. Chúng bị bóc hết nguồn gốc và con người thật của mình. Trong thầm lặng câm nín, nghe như có tiếng khóc đau thương không cất lời được. “Hãy trả tôi về quê hương tôi. Hãy trả lại nguồn cội chúng tôi. Xin trả lại giá trị bằng mồ hôi của người đã thương yêu chúng tôi. Trả chúng tôi về với sự thật”.
Những chiếc bao đã đóng dấu sẵn chờ đợi chúng: Product of Thailand. Produit du Taiwan. Sản phẩm của Thailand . Gạo xuất cảng từ Taiwan . Từ bến tàu này qua bến tàu khác
Không có nhận xét nào